Ninh Bình: Mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo tốc độ tăng trưởng 12%
Năm 2025, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 12%, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phục hồi và thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đây được xem là một trong những chỉ tiêu then chốt, định hướng xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của chính quyền tỉnh trong năm nay.
Tại Hội nghị phiên thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo tốc độ tăng trưởng đề ra 12%, do đó các cấp, các ngành cần tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh, trong tháng 4, GRDP của tỉnh tăng trưởng ổn định, với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. Các dự án đầu tư trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Hội nghị phiên thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Nổi bật, giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 11,74% so với cùng kỳ. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong 4 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu và đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 62 dự án với tổng số vốn gần 8.000 tỷ đồng, tăng 2,94 lần so với cùng kỳ.
Tiếp tục tạo dựng nền tảng vững chắc và định hình rõ nét với những bước chuyển mới cho sự phát triển của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là trong công tác quy hoạch. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, các dự án được xác định hoàn thành để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Trong tháng, đã tổ chức khởi công tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và khánh thành tuyến đường Đông - Tây giai đoạn I. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh tính đến hết ngày 24-4-2025 đạt 29,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Hạ tầng giao thông đầu tư hiện đại, đồng bộ.
Sản xuất nông nghiệp theo đúng khung thời vụ, đã chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Trong tháng 4, các khu, điểm du lịch của tỉnh đón 1,17 triệu lượt khách, lũy kế 4 tháng đạt 5,6 triệu lượt, doanh thu trên 6.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, toàn tỉnh ước đón trên 700.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 43,9% so với dịp nghỉ lễ năm 2024.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 4 đạt trên 278 triệu USD, lũy kế 4 tháng đạt trên 1.064 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt trên 5.162 tỷ đồng, đạt 25,3% dự toán.
Các hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi. Trong đó tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các Hội thảo khoa học tại tỉnh và nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu như: Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2025; khai mạc Nón lá Việt Nam-Festival 2025 và chuỗi hoạt động hấp dẫn, mang đậm màu sắc văn hóa.
Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát được tập trung triển khai quyết liệt. Công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, dân tộc, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tập trung thực hiện; quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sắp xếp chính quyền 2 cấp
Đối với nhiệm vụ tháng 5 và thời gian tiếp theo, Ninh Bình tập trung vào các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 2 con số; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các dự án, công trình trọng điểm, nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; cơ cấu lại hệ thống y tế theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông và phòng, chống tội phạm cho người dân; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sắp xếp mô hình tổ chức hệ thống chính trị theo yêu cầu của Trung ương. Đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thực chất, hiệu quả.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm tháng 5.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo tốc độ tăng trưởng đề ra 12%, do đó các cấp, các ngành cần tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Tiếp tục chủ động triển khai xây dựng phương án cụ thể về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trước hết là cơ sở vật chất, bố trí nơi làm việc của các xã mới, nhiệm vụ này do các huyện chịu trách nhiệm thực hiện; riêng thành phố Hoa Lư, xác định trụ sở Thành ủy, UBND thành phố Hoa Lư sẽ được bố trí phù hợp làm nơi làm việc của một số cơ quan cấp tỉnh Ninh Bình mới.
Về bố trí cán bộ, công chức cấp xã, thực hiện theo hướng giao tổng biên chế của cấp huyện về xã; nhiệm vụ này các huyện, thành phố tổ chức thực hiện, việc bố trí nhân sự cần căn cứ tiêu chí quy mô dân số, diện tích để bố trí cán bộ, công chức, đảm bảo hài hòa.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Trong đó giao Sở Tài chính khảo sát, dự kiến phương án bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan cấp tỉnh mới, sớm báo cáo UBND tỉnh…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố sát sao trong việc quản lý, bàn giao hồ sơ, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chính quyền 2 cấp. Rà soát, quyết toán các dự án đã hoàn thành; chủ động rà soát nợ xây dựng cơ bản; quan tâm đảm bảo hoạt động của Bộ phận Một cửa cấp huyện, không để xảy ra tình trạng gián đoạn hoạt động, gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bài, ảnh: AN BÌNH