Ninh Bình: Nhiều hoạt động kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế

Lễ kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế sẽ diễn ra tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ngày 24/3. Từ đây đến hết năm tiếp tục có nhiều hoạt động hưởng ứng mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa.

Du khách tham quan Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Gia Viễn, Ninh Bình. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Du khách tham quan Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Gia Viễn, Ninh Bình. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, chiều 5/3, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình tổ chức thông tin về các hoạt động kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024).

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Viễn cho biết kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế là sự kiện lớn của huyện cũng như của tỉnh Ninh Bình.

Đây là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế-xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Gia Viễn.

Chương trình chính trong chuỗi các sự kiện là Lễ kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế sẽ diễn ra tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn) ngày 24/3/2024.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hưởng ứng mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa diễn ra từ tháng 3/2024 đến hết năm 2024. Trong đó có Giải việt dã, giải chạy bán Marathon; khai trương "Chiếu chèo trên Đầm Vân Long;" xây dựng hoàn thiện mã QR tại các điểm di tích có liên quan đến tuyến điểm du lịch "Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng;" Hội thi Lễ phẩm dâng Vua; cuộc thi "Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch nhí" lần thứ 3...

Thông qua các hoạt động nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ của nhân dân.

Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, sinh ngày 15/2 năm Giáp Thân (năm 924) tại làng Đại Hoàng, là con thứ của Thứ sử Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền), mẹ là bà Đàm Thị.

Thuở nhỏ sống với mẹ ở Đàm Gia, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng lũ trẻ chăn trâu chơi trò đánh nhau, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy, lại có chí lớn nên được bạn bè kính phục.

Năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, triều đình rối ren, không có khả năng kiểm soát các địa phương xa xôi, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng những người bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc tổ chức lực lượng, rèn vũ khí và chiếm giữ vùng đất Hoa Lư. Ông được nhân dân địa phương suy tôn và ủng hộ nhiệt liệt.

Từ năm 945 đến năm 950, Đinh Bộ Lĩnh đã toàn quyền làm chủ vùng đất Hoa Lư và khu vực xung quanh.

Năm 951, lực lượng, thanh thế của Đinh Bộ Lĩnh đã khá mạnh, khiến Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lo sợ, đem quân đến đánh nhưng không thắng phải rút về.

Nhà Ngô sụp đổ, tình hình đất nước rối loạn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định tiến đánh các sứ quân.

Bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo-liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn-chinh phạt, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc “nội loạn” ở giữa thế kỷ 10, thu non sông về một mối vào cuối năm 967.

Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài; là Anh hùng dân tộc, mở đầu và đặt nền thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ninh-binh-nhieu-hoat-dong-ky-niem-1100-nam-ngay-sinh-dinh-tien-hoang-de-post931010.vnp