Ninh Bình tự tin trở thành trung tâm kinh tế số vùng đồng bằng sông Hồng: (Kỳ 1): Kinh tế số - trụ cột mới của không gian phát triển

Việc hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình không chỉ là một bước cải cách thể chế có tính chiến lược, mà còn là cơ hội lớn đề kiến tạo một vùng động lực phát triển kinh tế số cấp tỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Với quy mô dân cư lớn, tiềm lực kinh tế đáng kể, sự bổ sung lợi thế giữa các địa phương và định hướng chính sách chuyển đổi số đúng đắn, tỉnh Ninh Bình mới hoàn toàn có khả năng vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế số của khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH McNex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn).

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH McNex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn).

“Kinh tế số chính là trụ cột chiến lược để tỉnh Ninh Bình mới bứt phá phát triển trong thời kỳ mới. Việc hợp nhất ba tỉnh tạo ra quy mô và sức mạnh tổng hợp chưa từng có, nhưng thành công hay không phụ thuộc vào việc tỉnh có xây dựng được một hệ sinh thái số toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hay không” - GS.TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân) bày tỏ quan điểm.

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công, KCN Gián Khẩu. Ảnh: Anh Tuấn

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công, KCN Gián Khẩu. Ảnh: Anh Tuấn

Nền tảng cho kinh tế số

Sau hợp nhất, tỉnh Ninh Bình đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với không gian phát triển kinh tế, xã hội mới, rộng lớn về địa lý, đa dạng về tiềm năng và hội tụ đầy đủ các điều kiện để bứt phá. Việc gỡ bỏ những rào cản hành chính, tích hợp hạ tầng số, đồng bộ dữ liệu, hệ thống chính sách và chiến lược phát triển đã tạo ra bước chuyển căn bản, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và tính lan tỏa cao nhất hiện nay.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân), lợi thế lớn nhất của tỉnh Ninh Bình mới chính là quy mô thị trường nội vùng đủ lớn, tạo hấp lực đối với các doanh nghiệp công nghệ, nhà đầu tư vào thương mại điện tử, logistics thông minh và dịch vụ số. Trên thực tế, sự tích hợp đang làm thay đổi cấu trúc phát triển của toàn tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng của dịch vụ số, công nghiệp công nghệ cao và thương mại điện tử đã tăng nhanh, từng bước thay thế cho các ngành truyền thống.

Ông đã đưa ra các số liệu nghiên cứu minh chứng cho cho sự chuyển hướng mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, lấy công nghệ và dữ liệu làm nền tảng. Theo số liệu từ cơ quan Thống kê, giai đoạn 2020-2024, Hà Nam duy trì mức tăng trưởng GRDP trên 10% mỗi năm, tỷ trọng kinh tế số đạt 13,68% cao hơn trung bình cả nước. Ninh Bình tuy có bước phục hồi ấn tượng sau đại dịch với GRDP tăng lên 8,56% vào năm 2024, nhưng tỷ trọng kinh tế số lại giảm nhẹ xuống 9,09%, cho thấy cần có chiến lược đồng bộ hơn trong thực thi chuyển đổi số. Nam Định, dù ổn định, nhưng mới đạt 6,37% tỷ trọng kinh tế số, vẫn thấp so với mặt bằng vùng.

Những con số ấy phản ánh bức tranh toàn diện: hợp nhất không chỉ làm tăng quy mô mà còn đặt ra yêu cầu tái cấu trúc lại toàn bộ không gian phát triển, đồng thời tạo tiền đề cho một bước nhảy vọt về chuyển đổi số nếu có quyết sách và điều phối hợp lý.

Cty TNHH Qisda hoạt động trong lĩnh vực sản xuất màn hình LCD và các sản phẩm công nghệ cao khác cho các thương hiệu máy tính như HP và Dell. Ảnh: Minh Thu

Cty TNHH Qisda hoạt động trong lĩnh vực sản xuất màn hình LCD và các sản phẩm công nghệ cao khác cho các thương hiệu máy tính như HP và Dell. Ảnh: Minh Thu

Tối ưu hóa tiềm năng

Việc sáp nhập ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình thành một đơn vị hành chính mới không chỉ mang ý nghĩa hợp nhất bộ máy mà còn mở ra một cơ hội chiến lược để phát huy tối đa tiềm năng, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế số.

Mỗi địa phương trước khi sát nhập đều có lợi thế riêng: Hà Nam là trung tâm công nghiệp số và logistics với các khu công nghiệp hiện đại, kết nối hạ tầng đồng bộ; Nam Định là trung tâm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực số và có tiềm năng lớn để phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo; còn Ninh Bình, với lợi thế về du lịch - di sản và dịch vụ, có thể trở thành trung tâm du lịch thông minh và dịch vụ số của vùng.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Sau hợp nhất, tỉnh Ninh Bình mới có thể phát triển theo mô hình kinh tế số phân cực chức năng, kết nối bằng hạ tầng dữ liệu liên thông, giúp giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý công việc và thu hút đầu tư. Việc tích hợp ba nền tảng dữ liệu địa phương thành một hệ thống kho dữ liệu mở quy mô tỉnh, vùng, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, giáo dục, y tế… sẽ tạo bước chuyển lớn trong cách thức điều hành và phục vụ người dân.

Các mô hình “đa trung tâm - một nền tảng”, “chính quyền số cấp tỉnh” và “dịch vụ công không giấy tờ, không tiếp xúc, không trễ hẹn” cũng được định hình rõ hơn trong quy hoạch phát triển của địa phương. Nếu triển khai đồng bộ, đây sẽ là “xương sống” cho kinh tế số của Ninh Bình phát triển bền vững.

Từ thực tiễn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Ninh Bình, Hà Nam đã từng bước áp dụng phần mềm kế toán điện tử, thương mại điện tử, QR code truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm OCOP, đặc sản nông nghiệp…, tạo bước chuyển dịch tích cực trong tư duy sản xuất, kinh doanh.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung phát triển thành trung tâm du lịch thông minh. Ảnh: Nguyễn Thơm

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung phát triển thành trung tâm du lịch thông minh. Ảnh: Nguyễn Thơm

Những thách thức cần vượt qua

Tuy nhiên, hành trình xây dựng kinh tế số không phải không có những thách thức. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2025 chỉ rõ, mặc dù vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm gần 27% tỷ trọng kinh tế số toàn quốc, song sự phân hóa giữa các địa phương là khá rõ rệt.

Ngay trong ba tỉnh hợp nhất, khoảng cách về năng lực số, hạ tầng công nghệ, mức độ ứng dụng và nhận thức về chuyển đổi số vẫn còn lớn. Nếu như Hà Nam đi đầu trong công nghiệp số, thì Nam Định lại chưa có sự bứt phá rõ ràng, còn Ninh Bình dù có tiềm năng du lịch số nhưng thiếu cơ chế hỗ trợ đủ mạnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thêm vào đó là thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù Nam Định có hệ thống giáo dục bài bản, nhưng lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên gia dữ liệu lớn, lập trình viên… vẫn thiếu so với nhu cầu phát triển. Hạ tầng mạng ở một số vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng 5G, gây cản trở quá trình phổ cập công nghệ tới mọi người dân.

Các cơ sở sản xuất rất cần được hỗ trợ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Các cơ sở sản xuất rất cần được hỗ trợ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Để vượt qua những rào cản này, đòi hỏi tỉnh mới phải có chiến lược phát triển kinh tế số bài bản, đồng bộ và dài hơi. Cần thiết lập cơ chế điều phối liên ngành về chuyển đổi số, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho người dân, đầu tư mạnh vào hạ tầng số và đặc biệt là xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số linh hoạt, hiệu quả.

Kinh tế số không chỉ là xu thế, mà đã và đang trở thành trụ cột quan trọng cho không gian phát triển mới của Ninh Bình. Trong hành trình sáp nhập để phát triển bền vững, việc tối ưu hóa thế mạnh của từng địa phương, rút ngắn khoảng cách số, đầu tư bài bản cho hạ tầng - dữ liệu - nhân lực sẽ là chìa khóa để tỉnh bứt phá, trở thành điểm sáng về kinh tế số vùng Đồng bằng Sông Hồng. Đây không chỉ là kỳ vọng, mà là đòi hỏi cấp thiết cho một giai đoạn phát triển mới - năng động, thông minh và số hóa toàn diện.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-tu-tin-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-so-vung-dong-255719.htm