Ninh Hòa: Tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa
Hiện nay, diện mạo thị xã Ninh Hòa ngày càng phát triển, công tác chỉnh trang đô thị chuyển biến rõ rệt, kiến trúc và cảnh quan đô thị được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hệ thống hạ tầng đô thị vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Khởi sắc trong quá trình đô thị hóa
Thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 13-3-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ninh Hòa về thực hiện Chương trình phát triển đô thị thị xã Ninh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06 ngày 16-7-2021 về Chương trình phát triển đô thị Ninh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đô thị thị xã Ninh Hòa đã có những bước phát triển đáng kể. Quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu dân cư mới và nhà ở được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án hạ tầng giao thông mang tính động lực được đưa vào khai thác và sử dụng, tạo mối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các khu dân cư đô thị, khu dân cư chỉnh trang đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đến nay, thị xã đã có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao; các khu dân cư nông thôn được quan tâm đầu tư hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Thị xã Ninh Hòa dọc theo sông Dinh. Ảnh: Thiện Tâm
Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, hiện nay, thị xã Ninh Hòa sử dụng bãi rác Hòn Rọ (xã Ninh An) với tổng diện tích 4,1ha, sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Khu vực 7 phường nội thị được Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa thu gom và xử lý tại bãi rác Hòn Rọ, công suất 57,5 tấn/ngày; khu vực nông thôn, đến nay, đã có 18/20 xã tổ chức phương án thu gom và xử lý rác sinh hoạt. Thị xã đã quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cho các xã phía tây ở vị trí thôn Tân Sơn (xã Ninh Xuân) diện tích 9,5ha, công suất 250 tấn/ngày vào năm 2023. Địa phương hiện có 6 nhà máy nước, trong đó 2 nhà máy Ninh Đông và Đá Bàn có công suất 12.000m3/ngày đêm, 4 nhà máy còn lại có tổng công suất 6.200m3/ngày đêm và 6 hệ thống cấp nước tự chảy có công suất 500m3/ngày đêm/hệ thống. Hầu hết hệ thống đèn chiếu sáng trong thị xã được thay thế bằng đèn cao áp, mở rộng điện chiếu sáng công cộng ở các khu dân cư, ngõ hẻm và các xã vùng ven…
Vẫn còn những tồn tại
Tuy đã có những bước phát triển trong quá trình phát triển đô thị nhưng tỷ lệ đô thị hóa của thị xã chưa đạt tiến độ, nhiều dự án hạ tầng khung chưa được đầu tư theo kế hoạch đề ra; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tham gia chương trình còn ít; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa; kết cấu hạ tầng giữa khu đô thị và nông thôn còn thiếu đồng bộ. Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ngập cục bộ trong mùa mưa, xả thải chưa qua quản lý là hiện tượng phổ biến. Việc thu gom rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập, rác chưa được phân loại từ đầu nguồn, việc tái chế sử dụng lại chưa được thực hiện; nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để kinh doanh còn diễn ra gây ảnh hưởng đến diện mạo đô thị địa phương.
Cùng với đó, danh mục thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình phát triển đô thị còn thấp, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, xử lý nước thải, công viên cây xanh…), hạ tầng xã hội chưa có nguồn vốn để đầu tư. Các dự án kêu gọi đầu tư như hạ tầng khu dân cư, khu đô thị có nguồn vốn lớn và bị ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thu hút đầu tư; năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức tại một số địa phương chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, nhu cầu vốn của chương trình phát triển đô thị rất lớn, tuy nhiên ngân sách địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và các chính sách, thủ tục về đất đai. Đồng thời, nguồn thu ngân sách bị giảm sút do bất lợi của thời tiết, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hóa trên địa bàn thị xã. Các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới hiện nay chưa được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dẫn đến tình trạng chồng chéo với các quy hoạch ngành...
Từ thực tế nêu trên, UBND thị xã đã kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 làm cơ sở để địa phương điều chỉnh chương trình phát triển đô thị phù hợp với định hướng phát triển đô thị quốc gia, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng phát triển của địa phương. Hiện nay, nguồn vốn cho công tác lập, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị thị xã và lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn rất lớn, trong khi thị xã chưa bố trí nguồn vốn đầu tư công. Do đó, thị xã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí lập, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn.
Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền thị xã Ninh Hòa đã xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đưa Ninh Hòa trở thành đô thị công nghiệp, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đề ra. Theo đó, lãnh đạo thị xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, ngành và UBND các xã, phường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp để tập trung chỉ đạo, đạt kết quả cao nhất. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa thị xã Ninh Hòa là 55,37%. Thị xã phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%, đến năm 2030 đạt 70%; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
THÁI THỊNH