Ninh Thuận: Chuyển 12 ha rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng?
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang công khai tham vấn cộng đồng dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Để thực hiện dự án này, tỉnh Ninh Thuận sẽ phải chuyển đổi gần 12 ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Nhiều động thực vật quý trong vùng dự án
Ngày 25/9, một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đăng công khai tham vấn cộng đồng dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy trên website của Bộ. “Đến ngày 26/9, sẽ hết thời hạn tham vấn đánh giá tác động môi trường của dự án trên Internet và chủ đầu tư sẽ chuyển sang hình thức tham vấn cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. Sau khi có kết quả tham vấn, Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án sẽ nhóm họp và cho ý kiến kết luận về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này”, vị lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin.
Theo hồ sơ dự án, tháng 1/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy. Cụ thể, diện tích sử dụng đất của dự án sau điều chỉnh là 64,6 ha (giảm khoảng 4 ha so với ban đầu) thuộc lâm phần quản lý của Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa và UBND xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Để làm dự án, doanh nghiệp sẽ lấy 11,5 ha thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 150, trong đó có 10,6 ha rừng tự nhiên và 0,98 ha rừng trồng, thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do VQG Núi Chúa quản lý.
Kết quả khảo sát đánh giá ĐTM cho thấy, ở khu vực rừng dự kiến thực hiện dự án có 4 loài thực vật có giá trị bảo tồn, trong đó có 3 loài có tên trong IUCN 2016, 1 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 1 loài có tên trong Nghị định 32 và có 3 loài nằm trong danh mục CITES (2017) gồm: Thiên tuế lược; dây gắm; lòng mức trái to và xương rồng gai. Ngoài ra, có khoảng 311 loài cây có giá trị sử dụng làm thuốc, lấy gỗ, làm cảnh, cho tinh dầu, làm thức ăn cho người…
Còn về động vật trong vùng dự án, có nhiều loài có giá trị bảo tồn gồm: Diều hoa Miến Điện ghi trong Nghị định số 32 về hạn chế khai thác (sử dụng vì mục đích thương mại); 5 loài bò sát, lưỡng cư trong Sách Đỏ Việt Nam (gồm: Nhông Leiolepis guttata, rắn sọc dưa Elaphe radiata, rắn ráo thường Ptyas korros, rắn cạp nong Bungarus fasciatus, rắn hổ mang thường Naja atra) và 2 loài có tên trong Nghị định số 32, đều ở nhóm IIB là Rắn sọc dưa Elaphe radiate và Rắn cạp nong Bungarus fasciatus.
Theo báo cáo kiểm kê lâm sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, tổng số lượng cây bị ảnh hưởng bởi phần diện tích xây dựng của dự án này tối đa khoảng 9.326 cây, tương đương với trữ lượng gỗ 271,9 m3. Các loài cây gỗ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi dự án gồm: Cóc (Spondias pinnata), Bình linh ba lá (Vitex), Mà ca (Buchanania latifolia), Sầm (Memecylon), Duối ô rô (Streblus), Găng gai (Randia), Lim xẹt (Peltophorum), Me rừng (Phyllanthus), Điều (Anacarrdium occidentale)...
Đã xin chủ trương chuyển đổi đất rừng
Liên quan đến dự án này, ngày 23/11/2022, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy. Cụ thể, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Thuận xin chủ trương chuyển 11,61 ha rừng đặc dụng, trong đó có rừng tự nhiên là 10,5 ha, còn lại là rừng trồng và đất chưa có rừng.
Ngày 9/7/2003, Thủ tướng ký quyết định chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa thành VQG Núi Chúa. Tháng 9/2021, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận VQG Núi Chúa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi này cũng có vịnh Vĩnh Hy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Đến tháng 1/2023, Tỉnh ủy Ninh Thuận có văn bản thống nhất các nội dung đề nghị của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Ninh Thuận lưu ý khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.....; hạn chế tối đa ảnh hưởng tác động tiêu cực, gắn với bảo tồn, phát triển rừng, môi trường biển của VQG Núi Chúa. Tỉnh ủy Ninh Thuận yêu cầu chỉ cho phép triển khai dự án khi báo cáo ĐTM đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Ban quản lý VQG Núi Chúa - đơn vị được giao trách nhiệm lập hồ sơ tận dụng lâm sản, cho biết: Hiện tại doanh nghiệp đang thực hiện công khai tham vấn cộng đồng dự thảo báo cáo ĐTM của dự án. Sau khi báo cáo ĐTM của dự án được cơ quan chức năng phê duyệt và được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, lúc đó Ban quản lý của Vườn mới làm hồ sơ về tận thu lâm sản ở khu vực làm dự án này.
Được biết, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Syrena Việt Nam từ tháng 10/2015. Đến tháng 1/2022, dự án được phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Dự án có vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1, sẽ xây dựng 54 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, còn giai đoạn 2 dự án sẽ có thêm 46 biệt thự và tất cả biệt thự này có chiều cao tối đa 12 m.