Ninh Thuận đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với phương châm hành động 'Đoàn kết-Đổi mới-Quyết tâm', hướng đến xây dựng ngành Nông nghiệp 'Thích ứng-Đặc thù-Bền vững', năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận ước đạt hơn 14.339 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra; đặc biệt, trong năm đã phát triển hơn 259ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vượt kế hoạch 39,67ha, nâng tổng số diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2024 lên hơn 825ha.

Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Ngày 25/12, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.

Theo báo cáo của đơn vị, trong năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận ước đạt 14.339,65 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra.

Trong đó, thủy sản chiếm 57%, nông nghiệp chiếm 42% và lâm nghiệp chiếm 1%), tăng trưởng 4,81%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung.

Giá trị gia tăng ước đạt 7.344 tỷ đồng, tăng trưởng 4,79%, đóng góp 25,5% vào tăng trưởng GDP của tỉnh, tiếp tục khẳng định là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh.

Hiện, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,75%, trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn địa phương đạt 97,52%; độ che phủ rừng ước đạt 48,15%; có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao....

Trong năm 2024, đã phát triển thêm 259,67ha sản xuất có ứng dụng công nghệ cao (vượt kế hoạch 39,67ha), nâng tổng số diện tích được ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2021-2024 đạt 825,61ha ( trong đó, trồng trọt là 566,81ha, chăn nuôi 115,8ha và thủy sản 143ha), đạt 82,56% so mục tiêu đến 2025.

Trồng dưa lưới trong nhà màng theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang đem lại lợi nhuận cao, cho nên nông dân tỉnh Ninh Thuận ngày càng đầu tư nhân rộng để diện tích sản xuất. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trồng dưa lưới trong nhà màng theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang đem lại lợi nhuận cao, cho nên nông dân tỉnh Ninh Thuận ngày càng đầu tư nhân rộng để diện tích sản xuất. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2024 ước đạt 990 triệu đồng/ha đất canh tác, vượt 41% so mục tiêu đến năm 2025.

Đã thu hút 40 doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống đạt 45,184 tỷ con (tăng 12,2% so với năm 2023) và đạt 88,1% so mục tiêu đến năm 2025.

Hầu hết, diện tích sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đều cho năng suất, sản lượng cao; giá trị sản xuất tăng 10,9% so năm 2023, đóng góp 14% vào tổng giá trị sản xuất của toàn ngành năm 2024.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, năm 2025, toàn ngành phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt từ 3-4% so năm 2024; giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 155 triệu đồng/ha; bảo đảm ổn định chất lượng và tỷ lệ diện tích đất sản xuất được chủ động tưới đạt 62,4%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%; có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và từ 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; duy trì chất lượng cấp nước và nâng tỷ lệ hộ dùng nước sạch sinh hoạt lên 99,78%...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp còn một số tồn tại cần tập trung khắc phục trong năm 2025, như: Quy mô sản xuất nông nghiệp, nhất sản xuất hàng hóa còn nhỏ, chưa tập trung, đặc biệt, chất lượng sau thu hoạch, chế biến chưa đi vào chiều sâu; một số sản phẩm chính của ngành chưa được mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ chưa nhiều; mục tiêu xuất khẩu sản phẩm từ cây nho vẫn chưa thực hiện được. Xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại, các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới chưa đạt.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Do đó, trong năm 2025, ngành nông nghiệp cần tập trung vào các nhiệm vụ đột phá, cụ thể, như: Tập trung tham mưu cho tỉnh ban hành các đề án phát triển các vùng sản xuất tập trung tại các vùng tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; phát triển sản phẩm OCOP trở thành đại sứ du lịch Ninh Thuận; phát triển sản phẩm dê, cừu thành sản phẩm Halal; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, nhiệm vụ chủ yếu theo kế hoạch đã đề ra.

Trước mắt, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu theo chức năng, quyền hạn trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đồng thời, chủ động công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng nước tại các hồ chứa, chỉ đạo điều tiết nước hợp lý để phục vụ sản xuất hiệu quả vụ đông-xuân 2024-2025 và nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao cấp tỉnh cho các chủ thể. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao cấp tỉnh cho các chủ thể. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao cấp tỉnh đối với 12 sản phẩm cho 7 chủ thể.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-day-manh-san-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-post852484.html