Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 13-14%

Năm 2025, Ninh Thuận dự kiến phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 13-14%.

Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là một trong bốn vịnh đẹp, hoang sơ nhất Việt Nam, là thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là một trong bốn vịnh đẹp, hoang sơ nhất Việt Nam, là thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hoàng, cho biết, trong năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư để triển khai thực hiện 13 dự án với tổng vốn đăng ký 32.846 tỷ đồng và điều chỉnh 53 dự án với tổng vốn tăng thêm khoảng 18.414 tỷ đồng.

Trong số những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư có những dự án như: Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa (huyện Bác Ái) có tổng vốn đầu tư khoảng 22.865 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc với tổng vốn đầu tư khoảng 7.750 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Thành Hải với tổng vốn khoảng 1.136 tỷ đồng; Dự án Phan Rang Center với tổng vốn đầu tư khoảng 864 tỷ đồng… có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.

Hệ thống hạ tầng giao thông tại Ninh Thuận được đầu tư tương đối đồng bộ cả về đường hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc và đường biển, rất thuận lợi đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Hệ thống hạ tầng giao thông tại Ninh Thuận được đầu tư tương đối đồng bộ cả về đường hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc và đường biển, rất thuận lợi đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Ninh Thuận là cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ cả về đường hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc và đường biển, cho nên rất thuận lợi đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung.

Cùng với đó, một trong các tiêu chí lợi thế của tỉnh là toàn bộ các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư cao nhất, cho nên các nhà đầu tư vào tỉnh sẽ giảm đáng kể chi phí tiếp cận đất đai. Hiện, giá thuê đất các khu công nghiệp tại Ninh Thuận chỉ bằng 30% so với mức bình quân chung cả nước.

Giá thuê đất các tại các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận chỉ bằng 30% so với mức bình quân chung cả nước, đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư nhà xưởng chế biến sản phẩm công nghiệp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Giá thuê đất các tại các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận chỉ bằng 30% so với mức bình quân chung cả nước, đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư nhà xưởng chế biến sản phẩm công nghiệp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Ninh Thuận cũng có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực ngành, nghề ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư; cam kết bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư.

Đặc biệt, về thủ tục đầu tư, Ninh Thuận đã nỗ lực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tăng cường dịch vụ công cấp độ 4, cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư so với quy định của Trung ương (từ 29 ngày làm việc xuống còn 23 ngày làm việc).

Nhờ đổi mới trong xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo... cho nên Ninh Thuận đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào địa phương.

Năm 2024, tình hình kinh tế của Ninh Thuận tiếp tục phục hồi ổn định và tăng trưởng khá (tăng trưởng đạt 8,74%), đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và xếp 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực, như: thu ngân sách đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ, vượt 6,2% so với kế hoạch (4.000 tỷ đồng); giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đạt mục tiêu; hoạt động doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi tốt.

Xúc tiến đầu tư của tỉnh cũng có nhiều đổi mới, thu hút đầu tư được xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Nhiều dự án trọng điểm, động lực, như: Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; đường vành đai phía Bắc; đường nối cao tốc bắc-nam với Quốc lộ 1A và Cảng tổng hợp Cà Ná; đường liên vùng từ Thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) đi Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng),… đã góp phần tạo không gian và định hướng phát triển mới cho Ninh Thuận trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, do đó, tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025.

Để đạt 18 mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2025, Ninh Thuận tập trung ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng. Đặc biệt, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho những ngành, lĩnh vực trọng điểm; tăng cường thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại lợi nhuận cao đang được tỉnh Ninh Thuận khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại lợi nhuận cao đang được tỉnh Ninh Thuận khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trong 18 chỉ tiêu đề ra về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 (có 9 chỉ tiêu về kinh tế), tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 13-14% để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025; GRDP bình quân đầu người đạt từ 113-114 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế các ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 24-25%, công nghiệp-xây dựng chiếm 42-43%, dịch vụ 32-33%.

Tỉnh phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.500 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so năm 2024. Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 44-45%; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP đạt từ 42-43%; tốc độ tăng năng suất lao động khoảng đạt 9-10%; tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP khoảng 12% và thu ngân sách đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.250 tỷ đồng so năm 2024.

Theo đó, Ninh Thuận sẽ bám sát và tiếp tục triển khai 3 đột phá cho phát triển của năm 2024, đó là: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp triển khai, đã phân công cụ thể cho từng ngành, từng cấp về tiến độ hoàn thành cũng như xác định rõ vai trò người đứng đầu để tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tập trung phát triển 5 ngành lĩnh vực trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng gồm: năng lượng; du lịch;công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị.

Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận giới thiệu sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP đến du khách. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận giới thiệu sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP đến du khách. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, nói: “Để phát triển một cách bền vững, tỉnh sẽ liên tục cập nhật diễn biến, dự báo sát tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường trong và ngoài nước để chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành phù hợp trong từng quý, sát với tình hình thực tiễn địa phương, kịp thời thích ứng với những khó khăn, biến đổi nhanh chóng, khó lường trong thời gian tới.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-phan-dau-toc-do-tang-truong-grdp-tu-13-14-post854043.html