Nợ BHXH tràn lan, người lao động lãnh đủ

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH ở Thanh Hóa rơi vào diện khó đòi, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động

Báo cáo mới nhất gửi chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa của BHXH tỉnh này cho thấy dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách, pháp luật liên quan nhưng tình trạng nợ, chậm đóng BHXH tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động (NLĐ).

Nợ dây dưa, khó đòi

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 3.300 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền hơn 466 tỉ đồng. Sai phạm phổ biến ở các DN là không thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều DN chưa phối hợp với cơ quan BHXH hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.

Cụ thể, một số DN có số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài là: Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort - 862 lao động, nợ 22 tháng với số tiền hơn 18,8 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa - 50 lao động, nợ 79 tháng với số tiền hơn 15,4 tỉ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 - 202 lao động, nợ 22 tháng với số tiền hơn 6,3 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 5 - 70 lao động, nợ 52 tháng với số tiền hơn 14,9 tỉ đồng.

Đáng nói, rất nhiều DN năm nào cũng bị "bêu tên" nhưng vẫn khó đòi. Điển hình như Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long, nợ hơn 7,6 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng Hancorp.2, nợ hơn 37,5 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, nợ hơn 6,6 tỉ đồng…

Trong hàng ngàn DN nợ BHXH, 542 đơn vị rơi vào tình trạng nợ khó thu do mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động... với số tiền 122 tỉ đồng. Trong số này, TP Thanh Hóa có 406 DN với khoản tiền nợ gần 100 tỉ đồng.

Không riêng DN tư nhân, nhiều đơn vị khối hành chính sự nghiệp cũng để xảy ra tình trạng nợ BHXH. Điển hình, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa nợ 25 tháng với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng; Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, TP Thanh Hóa nợ 12 tháng với số tiền 317 triệu đồng; Đoàn Quy hoạch và Thiết kế thủy lợi Thanh Hóa nợ 4 tháng với số tiền 136 triệu đồng…

Trụ sở Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 - đơn vị còn nợ hơn 37,5 tỉ đồng BHXH, BHYT

Trụ sở Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 - đơn vị còn nợ hơn 37,5 tỉ đồng BHXH, BHYT

Chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào

pháp luật cho phép tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện các đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhưng đến nay, Thanh Hóa chưa khởi kiện được DN nào, chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính.

Cụ thể, từ năm 2020 - 2022, BHXH Thanh Hóa đã phối hợp tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 1,9 tỉ đồng. Ngoài ra, BHXH Thanh Hóa đã lập hồ sơ chuyển đến cơ quan cảnh sát điều tra, kiến nghị khởi tố đối với một số đơn vị nợ BHXH kéo dài, như: Công ty CP Xây dựng Hancorp.2, Công ty CP Licogi 15, Công ty TNHH May Vạn Hà, Công ty TNHH TS VINA và Công ty TNHH May Đa Lộc.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động - LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, cho biết thực hiện quyền khởi kiện theo Luật BHXH, đơn vị đã thụ lý một số vụ việc BHXH chuyển sang nhưng rất khó thực hiện. Theo quy định pháp luật hiện hành (Luật BHXH 2014, Luật Công đoàn 2012), tổ chức Công đoàn được trao quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Hiện nay, việc khởi kiện DN nợ đọng, trốn đóng BHXH chịu sự chi phối của 4 luật gồm: Luật Tố tụng Dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ Luật Lao động. Song, 4 luật này lại quy định thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Việc giao quyền khởi kiện DN nợ đọng, trốn đóng BHXH cho Công đoàn cơ sở theo quy định hiện hành bộc lộ một số bất cập còn vì hầu hết đội ngũ này đang hưởng lương từ chủ DN. Do vậy, rất ít người dám đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động.

Thanh tra đột xuất doanh nghiệp nợ BHXH

BHXH Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2023 xuống mức thấp nhất.

Theo BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2022, tỉ lệ chậm đóng BHXH (có tính lãi) của các đơn vị tham gia chỉ chiếm 2,91% trên số phải thu - thấp nhất từ trước đến nay.

Nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho NLĐ, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành hằng tháng thông báo kết quả đóng BHXH tới đơn vị sử dụng lao động và NLĐ biết, đồng thời đóng đầy đủ, kịp thời. Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng, gửi thông báo đôn đốc; nếu đơn vị không đóng, lập biên bản hành vi vi phạm theo quy định. Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế xử phạt theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

N.Tú

Bài và ảnh: THANH TUẤN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/no-bhxh-tran-lan-nguoi-lao-dong-lanh-du-20230305201301854.htm