Nợ công toàn cầu tăng nhanh, tình hình tại Việt Nam liệu có khả quan?
Nợ công toàn cầu đang tăng ở mức kỷ lục, lãi suất cao do chi phí tốn kém dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ngân sách dành cho y tế và lương hưu do dân số già hóa ngày một tăng... Đặc biệt, tình trạng xung đột, phân cực chính trị đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới tại các nền kinh tế phát triển. Điều này liệu có tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?
Viện Tài chính Quốc tế (IFF) đã đưa ra báo cáo về tình trạng nợ công thế giới cho thấy khối nợ toàn cầu đã tăng thêm 10.000 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, trong đó 80% số nợ là nợ mới của các nền kinh tế phát triển. Mức tăng này bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, trong khi đó các quốc gia phải dành ra nhiều chi phí đắt đỏ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và ngân sách ngày càng lớn dành riêng cho y tế, lương hưu bắt nguồn từ tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Lượng tăng nợ công này đã khiến cho tổng nợ toàn cầu lên tới con số kỷ lục là 307.000 tỷ USD.
Theo nhiều nhà kinh tế học, cựu quan chức và nhà đầu tư lớn nhận định với hãng tin Reuters (Anh), hiện nay, Mỹ, Italy và Anh là những nước có tình trạng nợ công lớn nhất hiện nay. Trong đó, Mỹ là quốc gia đáng lo ngại nhất vì quy trình ngân sách bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phân cực chính trị, cộng thêm mức thâm hụt khổng lồ.
Nhà quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu thế giới Ray Dalio, nhà sáng lập công ty Bridgewater Associates, dự báo Mỹ sẽ rơi vào một vụ vỡ nợ. Tuy nhiên, Chính phủ nước này vẫn cam kết về “chính sách tài khóa bền vững” và được đảm bảo bằng việc điều chỉnh ngân sách trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Journal.
Tại Việt Nam, nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 và được dự báo có thể sẽ giảm xuống mức khoảng 34,4% trong năm 2025. Bộ Tài chính cho biết việc này có được là nhờ sự điều hành chính sách tài khóa tích cực, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi vẫn cải thiện được cân đối ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu nợ công.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài chính) đã đưa ra nhận định giai đoạn 2021-2023, quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả nổi bật như an toàn nợ công được đảm bảo trong phạm vi mức trần, ngưỡng cảnh báo được Quốc hội phê duyệt. Tuy vậy, quản lý nợ công tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra; các chương trình dự án được tổ chức triển khai còn chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, áp lực tăng vay, mặt bằng lãi suất tăng, sức ép giảm giá đồng Việt Nam đến từ chính sách của các nước cũng ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ và gây rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia.
Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với một số khó khăn nhưng nhìn chung, việc đảm bảo nợ công ở mức ổn định, thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn của Việt Nam vẫn góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia trên thị trường kinh tế quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay, điều này đem lại nhiều ý nghĩa tích cực giúp nâng cao uy tín, lan tỏa tác động tốt tới toàn nền kinh tế và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng tới Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội.