Nợ đất

Đôi mắt cô ấy ngập căm hờn. Con chúng tôi đã chết. Tôi đau quá. Cơn đau nổ tung từ trong lòng, khiến tôi cảm nhận từng tế bào mình bể nát. Chúng tôi có một đứa con. Họ, dân làng, đã đem nó hiến tế để xoa dịu cơn giận của thần. Vì chúng tôi đã phản bội lòng ơn, rời khỏi làng, phạm vào luật chết. Họ không giết chúng tôi, mà giết đứa con nít vô tội.

Một thằng con trai hai lăm tuổi ăn xoài lắc muối ớt nhìn cũng kì. Nhưng tôi thèm. Đưa ly xoài cho tôi, bà Năm không nhận ra thằng học trò đẹt ngắt hay xé thời gian chờ ba má tới rước bằng những câu chuyện không đầu không cuối với bà. Tôi cũng không nhận ra, lầm tưởng bà đã nghỉ bán và một cụ già nào thế vô chỗ đó.

Như ngã tư gần nhà tôi nửa tháng trước là miếng đất trống, quay lưng thành quán trà sữa, giờ đã xập xình lên bar. Chỉ khi thấy bà đấm đấm cái lưng còng, mở miệng than giờ này ở quê tao mát mấy ông trời, tôi mới nhận ra người quen. Chỉ có thể là bà Năm! Cảm giác sao mà khó diễn tả quá chừng. Vẫn là chúng tôi, nhưng lại không phải là chúng tôi hoàn toàn. Vẫn nhớ nhau, nhưng chúng tôi lại không nhận ra nhau.

- Bữa nay cho con thiếu đi. Mai ba cho tiền con trả nhe! – Tôi nhuộm giọng mình thành màu đọt me non, nũng nịu chọc bà Năm.

Đương trộn bánh tráng cho đám con nít lố nhố bu quanh, tay bà khựng đơ như lưỡi cuốc vấp đá cuội. Ngẩng lên, cặp mắt già nheo nheo mở lớn rót đầy tôi cái nhìn ngờ vực, thằng khùng nào dám đòi ăn thiếu đây. Tôi vẫn đứng im, cười cười, thích thú nhấm nháp từng biểu cảm thay đổi rùng rục trên gương mặt bà. Bà cười phớ lớ, thằng quỷ Nhiệm. Về hồi nào mậy? Bà nội cha mày bữa nay bày đặt chọc tao.

Chúng tôi đã nhận ra nhau.

*

Tôi thấy mình nhỏ xíu khi miếng xoài mặn ngọt trôi qua cuống họng. Đứng xớ rớ bên xe đồ ăn của bà Năm, thòm thèm nhìn những bánh trái treo đầy trên đó. Nắng đẹp và mát, bởi hàng cây hai bên chưa bị đốn đi. Trời cũng trong, không quằn quện bụi và nghẹt mùi khói xe như hiện tại. Ôi tôi đang đứng trong kí ức hồi còn nhỏ xíu!

- Tao mà quỡn chút, tao bắt xe về quê liền! – Bà Năm niệm câu thần chú quen thuộc. Bà Năm của phiên bản hồi xửa xưa, mập mạp và ít nếp gấp hơn.

Mỗi lần nghe bà nói câu đó, trong đầu tôi lại bung lên những bức tranh rực rỡ về cái gọi là “quê bà Năm”. Phải đẹp dữ dằn lắm mới khiến người đàn bà này dành cả đời để nhớ. Nhớ chảy rần rần thay máu, tẩm đỏ au da thịt từ trong ra chứ không phải do nắng phủ từ ngoài vô như người ta. Phải xuất sắc dữ lắm mới khiến bà chậc lưỡi tiếc hoài, và mắt thì xoáy sâu nỗi buồn đứa trẻ như tôi không hiểu nổi. Tôi cũng không tưởng tượng được hết sự đặc biệt của quê bà. Tôi đành chấp nhận một “quê bà Năm” tuyệt vời trong mức cho phép thôi.

Từ hồi đó, tôi luôn ngóng chờ ngày bà Năm về quê. Ừ thì về bà sẽ có nhiều chuyện hay hơn kể cho tôi nghe, coi quê bà thay đổi làm sao, mọi người ai đi ai ở. Biết đâu bà còn đem bánh trái quê nhà về cho tôi (tôi khoái điều này nhất). Và vì tôi thương bà. Thương ánh mắt khắc khoải, nhìn y hệt con gà con tôi nuôi trong ráng chiều đổ vàng chiếp chiếp đi tìm má. Má của nó đã thành mâm nhậu cho ba tôi và mấy chú, gấp gáp để kịp vụ giấy tờ gì đó.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Minh họa: Phạm Minh Hải

*

“Hè đang bán đắt, thôi năm sau tao về cũng được!”.

“Năm nay bệnh quá, hụt tiền về mày ơi”.

“Tao tính kiếm chút đỉnh, để mua đồ tặng bà con. Về tay không kì chết”.

“Ăn trộm vô hốt bọc tiền để dành của Năm rồi, về kiểu gì hả con!”.

*

Ai ngờ được chừng đó năm mà bà Năm vẫn chưa về quê được một lần. Bà như thứ trái đã rụng khỏi cành, ngày càng cằn khô teo tóp lưu giữ mớ hạt kí ức. Mòn mỏi ngày trở về đất cũ gieo lại mùa, cho đã cơn thèm quê nhớ đất. Mà ngày đó là ngày nào?

- Năm nay về quê không Năm? – Tôi hỏi, hy vọng sẽ được an ủi bằng hy vọng của bà. Chứ với tôi, mọi thứ chỉ dồn đọng và kẹt cứng, như căn nhà thiếu cửa sổ giữa trời đổ tối và đang cúp điện.

- Định về đó. Mà thằng ăn trộm khốn nạn nó lấy hết tiền…

Tôi nhìn bà Năm, không biết nói gì nữa. Bà ngồi đó, trong xao động của buổi chiều nắng mật đang bị đám con nít xô đẩy dờn lên từng đợt sóng sánh, ngả xám và xỉn úa như bức tượng đồng. Tôi thấy một tôi nhỏ xíu đứng kế bên bà, nâng niu hộp bút chì màu mua được từ tiền mót chai mủ bán ve chai, tự hào hô sau này con sẽ thành họa sĩ.

Lúc đó, thứ khiến đứa nhỏ là tôi đắm đuối chỉ có giấc mơ màu sắc. Thứ mà bây giờ, với tôi chỉ là tiếc nuối. Thì nhìn bà Năm, ôm mãi chuyến về quê xa xăm như cục nợ đeo cả đời, tôi tự nhiên muốn khóc. Dường như cảnh một người vật lộn với khao khát không thể thực hiện luôn là cảnh buồn nhất trần đời này.

Tôi móc điện thoại, nhắn cho mấy đứa bạn thân. Tụi thằng Tâm, con Ái, thằng Nhì. Những đứa thương bà Năm nhiều. Những đứa đang mong muốn làm gì đó có ích cho đời. Tôi có một kế hoạch.

Thấy bà Năm nhìn nhìn, tôi đánh trống lảng. Năm kể con nghe cái chuyện cổ quê Năm đi. Bà bật cười, thằng quỷ tưởng kể riết mày thuộc lòng rồi chớ. Bà hào hứng ực ngụm cà phê đá, tằng hắng lấy giọng kể. Tôi liếc nhìn màn hình điện thoại, tin nhắn báo tụi nó đã đồng ý.

*

Xứ này hồi xưa làm gì có người. Chỉ là rừng xanh mịt mùng, thú dữ đầy nhóc. Đám người tứ xứ không còn chỗ đi, nhắm mắt đâm đầu vô. Coi sống được thì sống, không thì làm mồi cho thú, trở thành một phần của rừng cũng đáng. Họ tìm được cái hang, trong đó có cục đá bự sao mà giống người quá. Họ tôn cục đá làm thần núi, khấn vái xin phù hộ để ở lại dựng làng.

Coi vậy mà thần hiển linh, báo mộng cho người đứng đầu kêu họ ra sông lặn kiếm viên ngọc thần. Sông lúc đó cá sấu bơi nghẹt, mấy người bỏ mạng mới kiếm được ngọc. Đem ngọc về đặt vô tay tượng, núi sông hợp nhất sức mạnh của thần càng thêm lớn mạnh.

Thần bảo trợ cho họ lập làng, còn ban cho đồ ăn. Thứ nấm đặc biệt không ở đâu có, mọc ra từ đá. Nhờ nó làng mới sống sót, trước khi học được cách sinh tồn cùng rừng rậm.

- Nấm đó ngon bá cháy! Xào ngon mà nướng cũng ngon. Để nào về, tao đem một mớ lên cho mày ăn… - Bà Năm cao hứng vỗ đùi cái chát, trước khi khựng lại trở mắt đỏ hoe. Run rẩy đứng lên, bà làm bộ bật mô tơ máy ép nước mía chạy, để tiếng ồn lấp đi tiếng lòng mình thổn thức. – Trời nóng vầy uống nước mía mới đã, ha Nhiệm!

*

- Chèn đét ơi, nghe biển cái mắc ham. Nhỏ lớn tao đâu có được đi biển! – Bà Năm như đứa con nít lần đầu đi chơi xa, cười không ngớt chỉnh lại quần áo.

Tôi quay qua nhìn Tâm, cười ẩn ý. Nó hiểu, nháy mắt với tôi. Ái không giấu được niềm vui, bật cười khúc khích. Xe chạy băng băng trên quốc lộ, mông lung chưa rõ điểm đến cụ thể. Chúng tôi còn đang tìm.

Mặt bà Năm bị ai đó hất lên lớp sơn xanh tái, khi ngơ ngác đọc những biển hiệu hai bên đường. Xe đã vào thành phố. Đường này đâu phải đi biển. Đừng nói là…

- Tụi mày, tụi mày định chở tao đi đâu? – Bà Năm nhìn tôi, nhìn Tâm, rồi nhìn Ái. Chúng tôi tránh ánh mắt của bà, nhìn nhau.

Ái cười, lên tiếng trước:

- Tụi con dành món quà bất ngờ này cho Năm! Mình đang về quê Năm đó!

Bà Năm há miệng, ói ra một chữ “Quê…”. Sau đó hàm như bị khóa cứng, không khép lại cũng không nói thêm được gì. Mồ hôi bà rịn ra hai bên thái dương. Chúng tôi đoán khi ước mơ thành hiện thực, người ta sẽ cư xử lạ lùng như vậy.

- Rồi giờ mình đi đâu tiếp hả Năm? – Tâm dừng xe trước ngã ba, quay sang hỏi người đàn bà im lặng từ nãy đến giờ.

Chúng tôi chờ đợi. Bà Năm như cái bong bóng chỉ còn chút hơi, phập phồng đưa tay về phía bên trái. Cố gượng nụ cười yếu nhớt, như đám rau héo cuối buổi chợ chiều.

*

Tôi nằm trong mùi ẩm mốc, dù đã được bà Năm dọn dẹp, không hiểu sao mình can đảm ở lại. Tâm ngồi bên bậc cửa hút thuốc. Những đợt khói phả lên bị không khí ẩm sánh dồn ngược xuống, trôi lừ đừ. Ở phòng bên cạnh vọng lại đều đều tiếng chổi của bà Năm đang quét tước.

Căn nhà lâu không có người ở, rệu rã đón chúng tôi bằng chuỗi âm thanh rên rỉ mỗi khi gió thốc qua. Chúng tôi sẽ ở lại đây, rất lâu, tôi đoán vậy. Là tôi, Tâm và bà Năm. Ái và những người khác đã quay xe về ngay lập tức khi vừa đến làng. Bởi lẽ chúng tôi không ngờ trước được mình đang làm một điều tàn nhẫn.

Và bà Năm hóa ra đã nói xạo bấy lâu nay.

Tôi nhớ lại khi ghé cây xăng đi vệ sinh, Tâm đã kể với tôi bà Năm cố tình mở cửa, để tiền hớ hênh cho ăn trộm vô lấy. Chuyện hoang đường như vậy làm sao mà tôi tin được chớ!

*

- Đi, đi liền! Mày về đây làm gì?

- Quỷ dữ! Đi khỏi làng! Đi!

Ái chạy lại gần đám người đang hái rau dại, định hỏi đường về nhà bà Năm thì đất đá đã ập tới, cùng những tiếng chửi rủa. Cả đám vừa ló mặt ra chưa kịp hít thở không khí trong lành của núi rừng, ôm đầu chui lại vô xe nổ máy chạy trốn. Ái bị đá chọi trúng trán, sưng và chảy máu, ấm ức khóc. Chúng tôi dồn tất cả ánh nhìn về phía bà Năm, đang ôm mặt khóc từng chập.

- Ừ… Tao bị đuổi khỏi làng.

Không thuyết phục được tôi và Tâm, Ái tức giận đóng sập cửa xe, quăng lại cái nghiến răng hai ông ngu thì ráng mà chịu. Chiếc xe lăn bánh bỏ lại chúng tôi giữa tiếng cú kêu và những bầy côn trùng bắt đầu đi kiếm ăn. Bà Năm không nói gì, lừ đừ đi. Hết cách, tôi và Tâm đành đi theo.

*

Tôi nhổm dậy, nhìn ra sân. Có bóng đen lù lù sau đám lá rậm. Gấu? Tôi hoảng sợ nhoài tới kéo tay Tâm. Hai đứa trân trối nhìn lùm cây đang động mạnh dần.

Rẽ đám lá bước ra, là người. Người đàn bà khô quắt, đưa tay lên miệng ra dấu im lặng. Bà Năm nghe tiếng động bước ra từ hồi nào chúng tôi không biết, xúc động kêu lên:

- Chị Hai!

*

Tâm đưa tôi điếu thuốc, kêu hút cho ấm. Tôi lắc đầu. Hai đứa ngồi trong bóng tối, giữa tiếng vo ve của bầy muỗi rừng, nương nhờ đám khói cay xè của mẻ un. Cả hai đang cố sắp xếp lại những thông tin mà mình có.

- Mày quá tốt khi chọn ở lại. Cũng quá tốt khi sắp xếp chuyến đi này. – Tâm phả thuốc.

Tôi giụi nụ cười của mình vào đêm, ngay khi nó hé. Tốt? Tôi ư? Khi tôi tưởng mình làm một việc cao thượng, ban cho người khác thứ mà họ mong ước nhất. Tôi tưởng mình hay ho, khi đưa bà Năm về quê. Tôi không hay người đàn bà khốn khổ đó đã tự ru ngủ mình, bằng cách dệt nên mong muốn trở về và tự thắp lửa đốt rụi nó. Trong giây phút trước khi hy vọng bị đốt sạch, với bà là hạnh phúc rồi. Vậy mà tôi xuất hiện, bắt bà trở về đối mặt với sự thật bà đã né tránh từ lâu. Tôi xen vô bất hạnh của người khác, chỉ để họ bất hạnh thêm thì tôi tốt ở chỗ nào chớ?

- Còn mày, sao ở lại? – Tôi giựt lấy điếu thuốc từ tay Tâm, rít một hơi. Tôi cần nó, để xua đi hỗn độn trong đầu.

- Tao thấy thú vị. – Tiếng cười của Tâm nhỏ thôi, nhưng giữa mênh mông hoang dã trở nên đáng sợ.

- Thú vị? – Tôi hỏi lại. – Mày giỡn chắc?

- Cần phải có lý do để làm một việc gì đó sao? Thừa nhận đi, mày làm việc tốt cũng chỉ để thỏa mãn cái mong muốn làm việc tốt của mày. Tất cả cũng chỉ vì bản thân mỗi người thôi. Tao thấy thú vị thì tao làm, dễ hiểu mà!

- Ừ. – Tôi khép cuộc nói chuyện lại, trước khi cơn nóng xộc lên nướng rụi lý trí để rồi lao tới cho thằng bạn một đấm.

Nhưng nó nói đâu có sai. Tôi ở lại cũng vì mong muốn của bản thân mình thôi. Cả chuyện đi tới đây nữa.

*

Chị Hai của bà Năm đem đồ ăn đến cho tụi tôi. Có khoai, rau rừng, một chút thịt con gì đó như là chuột, và nấm. Tôi cầm lên, ngắm nghía những thân nấm đỏ au li ti đốm vàng lấp lánh. Đây có phải thứ nấm trong câu chuyện bà Năm vẫn kể? Thứ nấm trong truyền thuyết mà thần đã ban tặng.

Với những thứ đó, chúng tôi chỉ có thể làm món canh thập cẩm. Nhưng phải nói là chúng ngon. Nhất là nấm. Nấm ngọt và xốp, vừa giống cái mộng dừa tôi khoái ăn hồi nhỏ, vừa tươi như thịt những con tôm mới lột vỏ. Hèn gì bà Năm cứ khen hoài. Giờ, bà đang vừa ăn vừa khóc. Không biết vì lo sợ những ngày sắp tới, hay cảm động vì ăn được món quê.

- Mai mày đi đi. Không mọi người sẽ giết mày. – Chị bà Năm không ăn, tựa vào vách cong lưng lại cuộn người như cục đá.

- Đó chỉ là cục đá thôi! Chỉ là cục đá thôi… Sao chị không tin em? – Bà Năm ngừng ăn, nước mắt đã rớt.

- Tao tin mày. Nhưng chỉ có tao tin mày có ích gì? Mọi người ở đây coi mày như kẻ thù. Nếu nó chỉ là cục đá, mày làm vậy có đáng không? Trả nó về chỗ của nó đi. – Bà Hai đứng dậy, trôi lừ lừ về phía cửa. Có lẽ bà về nhà.

- Năm, kể cho tụi con nghe mọi chuyện đi! – Tâm nói thay điều tôi đang muốn nói.

*

- Anh dậy rồi hả? Ăn cơm đi nè! – Người con gái nhỏ nhắn mỉm cười với tôi, ngay khi ánh nắng xuyên qua bức vách rọi vào mắt làm tôi tỉnh dậy.

Tôi biết cô ấy là vợ tôi. Nhưng tôi có vợ từ bao giờ? Đầu tôi đau quá.

- Mùa này lại hạn. Năm nay chắc mất mùa… - Cô gái nhìn vô hũ gạo, mắt đỏ rung.

Lồng ngực tôi như mảnh khăn bị vắt, mắt cũng ướt theo. Tôi nhớ là chúng tôi đã trải qua nhiều mùa đói như vậy. Mùa. Tức là lặp lại, như xuân, hạ, thu, đông. Mùa đói và mùa đỡ đói.

- Hay là mình rời làng? – Cô gái nhìn tôi, van nài. Đôi mắt trong góc tối của căn nhà phản chiếu ánh nắng sáng lên như đôi mắt mèo. Hay đó là ánh sáng bấu víu khi người ta chẳng còn gì để hy vọng ở đất này?

Không được đâu. Rời làng là tội chết. Làng được bảo hộ bởi thần, chỉ ở đây người làng mới có thể sống yên ổn. Tại sao tôi biết điều này?

Nhưng có gì gọi là yên ổn? Chỉ có con nắng nướng chín da người trên những ruộng bạc màu. Rừng âm u chỉ những người gan dạ và mạnh mẽ nhất mới dám đi săn. Cơn đói là người bạn thường trực, đeo bám dính lấy như cái sẹo trên da người. Như vết chàm đóng dấu thời nô lệ mà câu chuyện tổ tiên làng xa xưa kể lại. Chỉ có nấm, thứ quà thần ban hào phóng cho tất cả, mặc kệ thời tiết vẫn sống dai dẳng. Rồi nấm cũng bị phân chia theo thứ bậc. Sao tôi biết điều này?

Chúng tôi cuối cùng cũng rời đi. Và bị bắt. Vợ tôi kêu tôi chạy đi.

Chúng tôi đến rìa vực. Khi tôi định cầm gậy xông tới mở đường máu, mũi tên có độc đã xuyên qua ngực. Tôi té xuống vực, chới với.

Cô ấy tìm đến hang thờ thần, cầm lấy viên ngọc thần. Không. Đừng làm vậy. Tôi muốn ngăn cản, nhưng tôi chỉ còn là đám sương mờ bất định.

Đôi mắt cô ấy ngập căm hờn. Con chúng tôi đã chết. Tôi đau quá. Cơn đau nổ tung từ trong lòng, khiến tôi cảm nhận từng tế bào mình bể nát. Chúng tôi có một đứa con. Họ, dân làng, đã đem nó hiến tế để xoa dịu cơn giận của thần. Vì chúng tôi đã phản bội lòng ơn, rời khỏi làng, phạm vào luật chết. Họ không giết chúng tôi, mà giết đứa con nít vô tội. Giết đi báu vật của chúng tôi, ánh nắng của chúng tôi, để chúng tôi tồn tại với sự túng thiếu và tăm tối vĩnh viễn.

Tôi không còn muốn ngăn cô ấy nữa. Phải, hãy đi đi. Đi khỏi vùng đất khốn nạn này. Mang theo thứ đức tin của họ, để họ cả đời tìm kiếm vô vọng gặm nhắm từng ngày tàn lụi niềm tin.

*

- Dậy! Dậy đi! – Tôi mở mắt. Nắng chóa làm mọi thứ rực rỡ trắng, nhòe đi khi cả người tôi rung lắc. Bà Hai đã đánh thức tôi.

Tôi ngơ ngác nhận ra mình đang nằm trên chạc cây giữa rừng. Làm sao tôi lại ra được đây? Những người làng đi hái nấm nhìn tôi xầm xì.

Từ xa, Tâm bước tới như một cái xác với đôi mắt trống không. Dễ đoán nó cũng đi lạc như tôi, bằng giấc mơ khó hiểu.

- Thần linh trừng phạt tụi nó! – Đám đông nhìn chúng tôi cười khoái trá. Đôi mắt họ nheo nhỏ, nhưng ngọn lửa bên trong lại rướn lớn.

Đầu chúng tôi đau. Tôi lờ mờ nhận ra, giấc mơ của tôi chính là câu chuyện bà Năm đã kể về cuộc đời bà.

*

Tao cũng là người độc ác. Làng nhiều lần nhờ người gửi thư xin tao trả lại viên ngọc, nhưng tao làm ngơ. Tao hả dạ khi nghĩ những con người tàn bạo đó phải trả giá. Tao ác quá mà, mày ha? Tao không hiểu sao tất cả chúng tao lại khổ vì một cục đá chớ!

Đêm đó tao cũng mơ. Tao thấy mình tới hang thần nhận tội. Thần nhìn như cha tao vậy, hiền lắm. Thần tha thứ. Thần cho tao viên ngọc, kêu tao chạy đi. Chạy khỏi đây, mọi thứ sắp chết rồi.

Tao không hiểu sao tao lại mơ vậy. Tao cũng không hiểu sao tao trở về đây. Tao trả lại viên ngọc rồi. Có gì thay đổi đâu? Tao điên thiệt rồi. Tao biết nó chỉ là cục đá thôi mà. Tao hy vọng gì quyền năng của một cục đá chớ?

*

- Tao có một giấc mơ. Tao hóa thành thần. Tao mạnh lắm. Tao chôn vùi cả cái làng này bằng một cái hất tay. Đã lắm mày. Bùm một cái, không còn gì hết.

Dưới ánh trăng, nụ cười của Tâm cháy lên như kẻ đi săn đang vờn con mồi. Quái dị. Tôi cảm giác nó không nói xạo. Ánh mắt nó thật thà lắm. Dù độc.

Khi con trăng sắp trốn vào mây ngủ nhường chỗ cho mặt trời, Tâm vỗ vai tôi, cười như khóc:

- Tao quý mày, nên khuyên mày chạy đi. Dẫn bà Năm chạy đi. Ở đây chỉ có chết.

*

Bà Năm cầm viên ngọc chạy hồng hộc, tất cả dân làng hô hào đuổi sát theo đòi giết. Bầy người như bầy mèo đói khát đuổi theo con chuột giả, khoái trá bản năng.

Tiếng nổ vang lên người khổng lồ bật dậy căm phẫn đấm vào bầu trời. Tâm đã thực hiện quyền năng của nó, như giấc mơ. Hang thần nổ tung, cả ngọn núi đổ sụp chôn vùi cả cái làng nằm dưới vòng tay thần.

Mọi người nhờ đuổi theo bà Năm, sống sót. Tất cả ngơ ngác nhìn nhau, sau khi bị tiếng nổ quật văng lồm cồm bò dậy. Họ không còn muốn đuổi theo bà nữa, khi mọi thứ tan tác trước mắt. Nhà cửa, ruộng vườn. Làng. Và nấm. Đám nấm thần ban chỉ mọc quanh hang thần, giẫy chết dưới đống đổ nát.

Bà Năm cười nhìn tôi, lồng ngực già nua phập phồng hơi thở ướt đẫm mồ hôi. Bà đã hiểu lý do mình trở về. Bà hiểu giấc mơ mình thấy, theo cách của riêng bà.

*

- Nấm có độc. Mày cũng nhận ra ảo giác bắt đầu ngay sau khi chúng ta ăn nó đúng không? – Lần này Tâm không hút thuốc. Trông nó già đi, như có thể té ra đột quỵ bất cứ lúc nào.

- Không những vậy, nó còn làm đuối sức. – Tâm vò thân nấm đỏ au trong tay, để chất nhầy đỏ như máu và bụi vàng bám lấm tấm vào tay. Bụi vàng và màu máu, đẹp một cách cay nghiệt.

- Mày học địa chất, chắc có nghe tới loại khoáng quý chỉ có ở vùng này. Đó là thuốc giải độc từ nấm. Hàng đời nay, người ta nấu nó chung với nấm thay cho muối. Khi loài người hiện đại ngoài kia đánh hơi thấy nó, mò tới đổi chác, người làng mót kiệt khoáng đem bán. Họ không biết họ đang bán cả mạng mình. Nấm sẽ giết họ từ từ, khi không còn thuốc giải. – Tâm bóp thân nấm bằng cả bàn tay. Chất nhầy đỏ hay máu do móng bấu vào thịt chảy ra kia?

- Hang thần là mỏ khoáng, tao sẽ khai thác nó. Đó là mục đích tao tới đây. Giờ mày biết lý do rồi đó. Tao tốt lành gì đâu! – Tâm bật cười, tiếng cười nổ tung đêm trắng. – Mày và bà Năm chạy đi.

*

- Họ đối xử với Năm như vậy, Năm còn muốn cứu? – Tôi đấm vào thân cây, tức giận với chính mình.

- Tao nhận ra tao vẫn thuộc về nơi đây. Có chối bỏ mọi thứ về nơi này thì nó vẫn chảy trong máu tao, con trai à. – Năm cười, xoa bóp đôi chân chuẩn bị cuộc chạy trốn.

- Rồi họ sẽ đổ tiếp oan ức cho Năm?

- Kệ. Tao chịu cả đời rồi, thêm chút xíu có sao đâu. Hận tao mà họ sống được, thì tốt. Mai tao sẽ đi lấy ngọc.

*

Giá mà đêm đó tôi cản Tâm lại. Tôi chỉ biết ngồi im nghe, như ngồi nghe bà Năm tính số phận mình.

Làm sao tôi biết Tâm là người của làng? Ba mẹ nó cũng bị số phận bóp nghẹn như bà Năm, chỉ kịp để đứa con là nó nhờ người mang đi. Làm sao tôi biết nó quay về để kết thúc mọi chuyện?

Nó nói xạo, nó đâu muốn đám khoáng kia. Nó muốn chôn vùi tất cả. Nó muốn mọi người lập làng khác, tách khỏi đám nấm ru ngủ kia. Nó nói nó về trả nợ, như bà Năm, nợ đất này.

Thằng khùng, nó có nợ gì đâu. Tất cả mọi người nợ nó thì có. Nợ bà Năm nữa. Nhưng không ai biết. Chỉ có tôi, có bà Năm. Tôi dẫn người hùng của làng chạy trốn, trong đêm đậm đặc tiếng kêu khóc của bầy người bị lôi khỏi ác mộng mà họ tưởng là thiên mộng.

Tôi chỉ biết ôm bà Năm, và khóc.

Truyện ngắn của Phát Dương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/no-dat-643182/