Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

BHG - Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chủ động lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) vào các chương trình phát triển KT-XH của địa phương, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững cho tương lai.

Hà Giang hiện có 7 khu rừng đặc dụng, gồm: Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn, các Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, Phong Quang, Bắc Mê, Bát Đại Sơn, Chí Sán và khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). Các Khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. Hệ thực vật có 106 loài thực vật quý hiếm cần được bảo vệ, trong đó có 102 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng có 775 loài, trong đó có 52 loài động vật hoang dã quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ. Một số loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) như: Voọc mũi hếch, Vượn đen má trắng, Khỉ mặt đỏ, Sơn dương, gà Lôi trắng, Cầy mực... Ngoài các nguồn gen động, thực vật hoang dã quý hiếm, tỉnh hiện đang lưu giữ tới 21 nguồn gen vật nuôi, cây trồng đặc sản như lúa Khẩu Mang, lúa Già Dui, Hồng không hạt, cam Sành, lê đường, chè Shan tuyết, gà xương đen, lợn đen, bò vàng...

Đoàn viên và người dân Hoàng Su Phì tích cực trồng cây xanh, bảo vệ thiên nhiên.

Đoàn viên và người dân Hoàng Su Phì tích cực trồng cây xanh, bảo vệ thiên nhiên.

Theo thống kê, Hà Giang có 10 hệ sinh thái khác nhau như: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao, độ cao trên 1.600m; hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, độ cao dưới 600m; hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi... Các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm. Ngoài ra, các hệ sinh thái có tính ĐDSH cao đang thu hút nhiều khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Để bảo tồn ĐDSH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn. Xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp trong quy hoạch tỉnh với mục tiêu bảo vệ giá trị của các hệ sinh thái, các loài, các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn, góp phần định hướng, xây dựng chính sách phát triển KT-XH bền vững. Huy động các nguồn lực tài chính để triển khai các chương trình, dự án bảo tồn ĐDSH, bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh công tác trồng, quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tăng cường công tác quản lý lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực rừng đặc dụng.

Tuy nhiên, ĐDSH trên địa bàn tỉnh hiện nay đã và đang có xu hướng suy giảm do sức ép của phát triển kinh tế, nhu cầu cuộc sống của người dân. Quá trình đánh bắt thủy sinh, ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác rừng, cháy rừng, xây dựng các công trình... làm suy giảm ĐDSH của các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, làm mất và phá hủy nơi cư trú của các loài động vật, thực vật. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách và chuyển đổi giống cây trồng mới có năng suất cao đã làm suy giảm ĐDSH và nguồn gen cây trồng đặc sản của địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Đưa kiến thức cơ bản về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ ĐDSH vào chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học; xây dựng các bảng tuyên truyền ở những khu vực công cộng, vùng đệm các khu rừng đặc dụng. Chăm lo, hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng. Phát triển rừng đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, trồng rừng, cải tạo rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái… tạo ra môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật, đặc hữu, quý hiếm, các hệ sinh thái rừng đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị ĐDSH.

YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202504/no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-fe33dc4/