Nỗ lực cải cách, đổi mới cho năm bản lề

Năm 2023 được TPHCM xác định là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Bước vào năm mới, các sở, ban ngành, địa phương của thành phố đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể, khẳng định quyết tâm cải cách, đổi mới, tạo kết quả rõ nét cho năm bản lề.

Tiếp tục cải cách

TPHCM xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Như vậy, một lần nữa công tác cải cách hành chính được nhấn mạnh, đưa lên thành một nội dung trọng tâm của năm, để cả hệ thống chính trị cùng thực hiện.

Nhìn nhận con số hồ sơ trễ hẹn trong lĩnh vực đất đai toàn thành phố còn rất lớn, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, mỗi tháng trung bình thành phố giải quyết hơn 42.000 hồ sơ nhà đất, cả năm hơn 502.000 hồ sơ. Cho dù tỷ lệ trễ hẹn chỉ 2,7%, nhưng lên tới 14.000 hồ sơ chậm thủ tục. Để giải quyết, sở đã tham mưu UBND TPHCM công bố đầy đủ 81 thủ tục đất đai để người dân dễ thực hiện và giám sát. Ngoài ra, sở cũng ứng dụng phần mềm bản đồ để kiểm soát cả 3 khâu: tiếp nhận - thụ lý - liên thông giải quyết hồ sơ. Từ đó tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Trong năm 2023, ngành TN-MT cũng sẽ tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời những cán bộ, công chức còn trì trệ. Theo Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, ngành có lượng cán bộ, công chức rất nhiều, ở tận cơ sở, vì vậy phải tăng cường kiểm tra giám sát để tránh tình trạng cán bộ, công chức tiêu cực, bị cám dỗ… Với 49 dự án còn vướng mắc liên quan đến sử dụng đất, Sở TN-MT đang cùng các sở, ngành, quận, huyện rà soát lại để tháo gỡ, tiếp tục triển khai.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho hay, năm qua TP Thủ Đức giải quyết hơn 1 triệu hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực. Trong đó, nổi lên việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn chậm. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn chỉ đạt 94%, trong khi mục tiêu là 96%. Theo ông Hoàng Tùng, để khắc phục tình trạng chậm trễ này, năm 2023, TP Thủ Đức tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cán bộ và cải tiến quy trình làm việc. Năm qua, TP Thủ Đức đã phối hợp Sở TN-MT TPHCM công bố Trang thông tin đất đai

TP Thủ Đức, liên thông các cơ quan thuế - Văn phòng đăng ký đất đai - Kho bạc Nhà nước, qua đó giải quyết hoàn toàn trên môi trường điện tử những thủ tục liên quan đến Văn phòng đăng ký đất đai. Từ cơ sở đó, TP Thủ Đức sẽ phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến, thay vì chỉ 82% như hiện nay.

Đột phá về hạ tầng, nguồn lực

Năm 2023 là năm TPHCM xác định quyết tâm tạo đột phá về hạ tầng, vì đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của thành phố. Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, trong 29 công trình trọng điểm, TPHCM tập trung cho một số dự án công trình trọng điểm chiến lược. Đó là 3 vành đai 2-3-4, các cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một, Bến Lức - Long Thành và các trục đường, cầu lớn vượt sông, chiến lược - như Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và các nút giao thông cửa ngõ. Những dự án này đang được tích cực chuẩn bị để khởi công, hoặc trình chủ trương đầu tư trong năm 2023. Trong đó, dự án Vành đai 3 được xem là kiểu mẫu trong khâu chuẩn bị dự án, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6. Cuối năm qua, một số dự án đã kịp khởi công để tạo khí thế cho năm mới, như nút giao An Phú, dự án mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất… “Với các công trình chuẩn bị đầu tư, Sở GTVT sẽ chuẩn bị kỹ để khi được tăng vốn trung hạn thì đủ điều kiện trình ngay trong năm”, ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Để thực hiện được những công trình, dự án trọng điểm và đầu tư phát triển, TPHCM cần huy động một nguồn lực rất lớn. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu rà soát cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư, nhằm đạt được tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 35%. Ngay trong quý 1-2023, Sở KH-ĐT được giao hoàn thành đề xuất nâng trần đầu tư công; tiêu chí thu hút FDI, đề án huy động đầu tư xã hội. Bên cạnh đó là chính sách phát huy kiều hối. Đồng thời, các sở, ngành liên quan phải chủ trì hoàn thành kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công, đề án khai thác quỹ đất dọc metro, dọc Vành đai 3 hay đề án xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, theo chủ đề năm, là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, sở tập trung tháo gỡ ngay vướng mắc cho các dự án đầu tư quy mô lớn. Đồng thời tăng cường xúc tiến, hỗ trợ đầu tư các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ cho việc kết nối vùng, khu vực, như Cảng trung chuyển Cần Giờ… Cùng với đó là việc rà soát các quỹ đất lớn còn lại, tập trung xử lý các vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, kết nối hạ tầng, giải phóng mặt bằng và tái định cư… để sẵn sàng thu hút đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ được đổi mới, với danh mục kêu gọi đầu tư được chọn lọc, không quá rộng và thành phố sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư cho tới khi dự án thành công.

_________

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân: Xử lý trách nhiệm cơ quan chậm phối hợp

Tháng 7-2022, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 2536 về Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Theo đó, các cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm đến cùng, xuyên suốt về tiến độ, chất lượng tham mưu. Còn các cơ quan phối hợp phải trả lời đầy đủ, có chính kiến, đảm bảo đúng thời gian. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã có quan tâm thực hiện quyết định này, nhưng quá trình triển khai có nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là khi khối lượng công việc quá lớn, nhiều nội dung lấy ý kiến quá ngắn, quá gấp…

Sở Nội vụ đang đề xuất với UBND TPHCM nội dung: thời gian tới, trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp, các cơ quan chậm trễ, gây ảnh hưởng tiến độ tham mưu thì cơ quan chủ trì sẽ báo cáo UBND TPHCM để có hướng xử lý trách nhiệm.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng: Giảm thiểu báo cáo thủ công

Trong công tác chuyển đổi số, mặc dù TPHCM đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm so với yêu cầu đặt ra. Do đó, trong kế hoạch năm 2023, sở đề xuất chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 là dữ liệu số. Theo đó, cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ xây dựng đô thị thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm là người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Năm 2023, ngành LĐTB-XH TPHCM xác định tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội. Trong đó, về việc làm, ngành lao động sẽ tập trung tư vấn và vận động lao động chưa có nghề tham gia học nghề để tự tạo việc làm hoặc tham gia lao động tại các doanh nghiệp. Tăng cường các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm. Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp để họ nhanh chóng gia nhập lại thị trường lao động, nhất là người lao động bị mất việc, ngừng việc, nhằm hoàn thành tốt chỉ tiêu năm 2023 về giải quyết việc làm cho 300.000 lượt lao động (tạo việc làm mới cho 140.000 lao động) và tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.

KHÁNH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-cai-cach-doi-moi-cho-nam-ban-le-post676785.html