Nỗ lực cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Chiều 16-7, các ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Long Biên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND tỉnh chủ trì cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7. Cùng dự họp có lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam phát biểu kết luận cuộc họp.
Tiếp tục giữ đà tăng trưởng
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,33%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 5,8%; thu ngân sách nhà nước đạt 15.390 tỷ đồng, bằng 55% dự toán trung ương giao, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,7%; doanh thu du lịch tăng 20,2%...

Chủ trì cuộc họp.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm được chủ động triển khai theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, làm tiền đề để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong 6 tháng cuối năm 2025. Công tác thu hút đầu tư, triển khai các dự án lớn như: Khu đô thị mới Cam Lâm, Khu đô thị mới Tu Bông, Khu đô thị mới Đầm Môn đã triển khai tích cực và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Cà Ná - giai đoạn I đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị khởi công Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng hoàn thiện Đề án Khu thương mại tự do tỉnh Khánh Hòa và Đề án bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu Kinh tế Vân Phong…

Quang cảnh cuộc họp.
Theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính, bên cạnh một số mục tiêu đạt được, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp so với cùng kỳ (chỉ tăng 3,15%); công nghiệp chưa dẫn dắt tăng trưởng kinh tế; công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách chưa cao. Ngoài ra, lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chậm được cải thiện. Từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều thách thức khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán; xung đột chính trị vẫn xảy ra; đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng suy giảm; chính sách thuế mới của Mỹ gây căng thẳng thương mại, cùng nguy cơ xung đột cục bộ tại châu Âu, Trung Đông và Đông Á làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các xã, phường phản ánh một số khó khăn về nhân lực; cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn sâu chưa đồng đều. Tại một số xã, cơ sở vật chất, trung tâm phục vụ hành chính công chưa thuận tiện cho người dân đến làm thủ tục. Vấn đề giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân vốn và tăng trưởng kinh tế.
Toàn tâm, toàn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Từ nay đến cuối năm, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo bộ máy hoạt động thông suốt; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp; rà soát, lập điều chỉnh các quy hoạch để đảm bảo phù hợp với ranh giới của tỉnh sau hợp nhất…, UBND tỉnh sẽ ưu tiên tối đa cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, rà soát lại các động lực tăng trưởng và điều chỉnh một số chỉ tiêu nhằm phù hợp với bối cảnh mới. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng so với năm trước khoảng 7,5% và phấn đấu đạt hơn 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 110,4 triệu đồng/người, tăng 9,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2.350 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 107.880 tỷ đồng, tăng 9%; thu ngân sách nhà nước đạt 27.979 tỷ đồng, tăng 10,4%.

Năng lượng là động lực cho tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm. (Trang trại Điện mặt trời và điện gió Trung Nam)
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh xác định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó xem công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng. Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tăng trưởng các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: Yến sào, thủy sản, đóng tàu, điện sản xuất, đường, may mặc, sản phẩm nông nghiệp đặc thù... Tỉnh sẽ ban hành phương án xác định thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN) tỉnh giai đoạn đến năm 2030; tập trung rà soát lại toàn bộ quỹ đất KCN hiện có, đánh giá hiệu quả sử dụng, có các giải pháp xử lý các dự án hạ tầng KCN chậm tiến độ để nâng tỷ lệ lấp đầy, tạo dư địa cho nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng, KCN Cà Ná, Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, Phước Hòa; hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná công suất 1.500 MW; hoàn thành thủ tục đầu tư một số KCN, cụm công nghiệp; hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ logistics, kinh tế số. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Bến cảng số 3 - Cảng Ba Ngòi, cảng biển tổng hợp Cà Ná để tăng công suất tiếp nhận và xuất khẩu hàng hóa bằng đường thủy. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển mạnh thị trường trong nước; tăng cường kết nối cung cầu, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số...

Nhà máy Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam yêu cầu ổn định ngay hoạt động của chính quyền cơ sở; rà soát, bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hệ thống đường truyền Internet bảo đảm thông suốt, khai thác tốt dữ liệu để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đặc biệt, tỉnh sẽ kiên định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu mức tăng trưởng năm 2025 đạt 8%; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam yêu cầu các tổ công tác của UBND tỉnh mới được thành lập theo dõi, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường gỡ vướng cho công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương; tập trung nguồn lực hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại tiến độ và chất lượng thực hiện 87 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2025; tích hợp các nhiệm vụ tương đồng của 2 tỉnh trước sáp nhập; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, phân nhóm đối với 246 dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài; phân mức độ phức tạp, mức độ ưu tiên và có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm, đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để kéo dài sang năm 2026. Đối với 11 dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra cần tham mưu văn bản UBND tỉnh gửi cơ quan thẩm quyền để tiến hành thi bản hành án theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kiểm tra lại các dự án đang tiến hành thủ tục đầu tư, tháo gỡ ngay vướng mắc về quy trình, thủ tục để sớm triển khai dự án; thường xuyên đối thoại, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân để tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư... Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải toàn tâm, toàn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; áp dụng Bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc (KPI), tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp…