Nỗ lực cấp nước sạch cho nông thôn ở Ninh Thuận
Hiện, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ninh Thuận đã quản lý, vận hành 42 nhà máy nước sạch, cung cấp cho 221/222 thôn của 40 xã/344 nghìn người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Trong tổng số nhà máy nước sạch đang vận hành, có 9 nhà máy có công suất hơn 1.000m3/ngày, đêm, 31 nhà máy dưới 1.000m3/ngày, đêm và 2 hệ thống cấp nước thôn kênh bắc, kênh nam. Tổng lưu lượng 29.387m3/ngày, đêm.
Không thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô
Những ngày đầu mùa hè năm nay, đến Đội 1, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái để chia sẻ niềm vui với đồng bào Raglai nơi đây sau nhiều năm sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Ông Pi năng Hậu phấn khởi nói: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng hệ thống nước sạch dẫn đến tận nhà cho bà con sinh hoạt, đồng bào ưng cái bụng lắm. Nay, không phải vất vả đi xa chỗ ở để mua nước như trước đây”.
Năm 2009, Nhà máy nước Phước Hòa, huyện Bác Ái được xây dựng, cung cấp nước cho 150 hộ dân khu tái định cư thôn Tà Lọt. Đến năm 2012, nhà máy được nâng công suất để cung cấp cho khoảng 300 hộ dân và đến tháng 11/2021, được Quỹ cộng đồng phòng, tránh thiên tai và Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 3 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước lên công suất 100m3/giờ, cung cấp cho 428 hộ dân ở 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái và 658 hộ dân 2 thôn Tân Lập 1 và Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, nâng tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Bác Ái đạt 99,67%.
Nay, khu vực bếp nấu ăn, tắm, giặt trong mỗi căn nhà của đồng bào Raglai tại các thôn, xã thuộc huyện Thuận Bắc đều được xây dựng khang trang, sạch, đẹp rất nhiều so với chục năm trước.
Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy cấp nước sạch nông thôn, nước sinh hoạt được đấu nối dẫn đến tận nhà dân, nên đồng bào không còn lo lắng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa.
Anh Chamaleá Đôn ở thôn Ma Trai, xã Phước Chiến nói: “Nhờ có nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh dẫn đến tận nhà, nên các bệnh lây lan qua đường nước không còn nữa, bà con được bảo đảm sức khỏe, có nhiều thời gian đi lên rẫy trồng trọt, đời sống ngày càng tốt hơn”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, trước đây, đồng bào Raglai, Chăm ở các huyện huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam… phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để sinh hoạt.
Khi mùa khô đến, nước sông, suối cạn kiệt, bà con luôn bị thiếu nước. Nay, Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy cấp nước sạch nông thôn, nước sinh hoạt được đấu nối dẫn đến tận nhà dân, nên đồng bào không còn lo lắng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa.
Chất lượng đời sống ngày càng nâng cao, góp phần tích cực trong hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Cung cấp tối thiểu 100 lít nước sạch/người/ngày
Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận xác định cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Từ đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 100 lít/người/ngày.
Đến năm 2045, phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.
Theo đó, sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương; vốn tài trợ, vốn vay của các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn khác tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn bền vững, thích ứng phó với biến đổi khí hậu, có công suất từ 3.000-8.000m3/ngày, đêm.
Các công trình này, nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn như các hồ: Sông Cái, Sông Sắt, Sông Than, Sông Trâu, Tân Giang, đập dâng Tân Mỹ, sông Cái, sông Dinh... bảo đảm có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn cho các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục bằng hình thức nối mạng hệ thống tuyến ống phân phối cấp nước giữa các công trình cấp nước, hỗ trợ cung cấp nước cho người dân trên địa bàn liên xã, liên huyện, duy trì bền vững...
Ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước
Ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển.
Đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác theo dõi, giám sát chất lượng nước thường xuyên tại các công trình cấp nước bảo đảm theo Quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Áp dụng công nghệ sản xuất, xử lý khử trùng bằng nước Javel thay cho Clo khí để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm chất lượng nước; nâng cấp công suất cụm xử lý nước theo phương thức module để giảm chi phí sản xuất nước, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả cung cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-cap-nuoc-sach-cho-nong-thon-o-ninh-thuan-post757325.html