Nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở
Trạm Y tế xã là tuyến y tế trực tiếp và bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu. Vì vậy, trong những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên đã tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở. Nhờ đó, người dân trên địa bàn huyện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao.
Cách trung tâm Cát Tiên chừng 30 km, giao thông cách trở, dân số trên 98% người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là ý thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế…, song cán bộ và nhân viên Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng luôn xác định công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân là trách nhiệm, vinh dự của người thầy thuốc, phải luôn nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác sĩ Điểu K Pên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng cho hay, vài năm trở về trước, Trạm Y tế xã còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhà làm việc xuống cấp, không bảo đảm điều kiện y tế cơ bản. Đến nay, với sự quan tâm của tỉnh, Trạm Y tế xã đã được đầu tư xây mới, mua sắm trang thiết bị phục vụ người dân. Năm 2019, xã Đồng Nai Thượng đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Chuyên môn vững, thái độ phục vụ nhiệt tình, đội ngũ cán bộ Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng đã từng bước đưa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng tốt hơn và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân. “Cùng với việc thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, nhân viên y tế cơ sở luôn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân về cách tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Từ đó, người dân đã tự giác nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, tích cực dọn dẹp giữ vệ sinh môi trường, thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh qua các phương tiện thông tin đại chúng”, bác sỹ Điểu K Pên thông tin.
Tới khám bệnh tại Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng, chị Ka Khốt (31 tuổi, thôn Bi Nao) cho biết, giờ đây mỗi khi trong nhà có người ốm đau đều đưa xuống Trạm Y tế khám và lấy thuốc. Các bác sĩ rất nhiệt tình hướng dẫn cách điều trị, uống thuốc. Ngoài ra, người dân còn được các cán bộ y tế của Trạm tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp tránh thai…
Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên đã quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước xây dựng cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện, toàn huyện có 9/9 xã, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; các chỉ tiêu cơ bản được thực hiện như tỉ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 7,68‰; giảm tỷ lệ sinh bình quân 3,42‰; tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân trẻ em dưới 5 tuổi 10,77%; 9/9 trạm y tế có bác sĩ công tác; trong đó có 1 trạm y tế có bác sĩ tăng cường 2 ngày/tuần…
Tính từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, Trung tâm đã thực hiện tổng số lần khám bệnh 65,371 lần, đạt 72,6% kế hoạch ; tổng số ngày điều trị nội trú 17,363 ngày, đạt 68% kế hoạch… Chất lượng khám và điều trị bệnh cho Nhân dân được bảo đảm an toàn, không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Trung tâm Y tế huyện cũng thường xuyên chú trọng tới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế luôn được Trung tâm triển khai tích cực, bảo đảm an toàn và chất lượng...
Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã đề ra nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả thiết thực đối với Nhân dân. Trong đó, đơn vị tập trung đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở có sự kết nối với các cơ sở y tế chuyên khoa tuyến trên; phát triển hoạt động của y tế trường học, y tế cơ quan theo hướng tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở; đầu tư mua sắm trang thiết bị; công tác thường trực cấp cứu, quy định về giờ giấc, vị trí việc làm bảo đảm; nâng cao chất lượng, chú trọng thực hiện các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu khám, chữa bệnh; tăng cường công tác thu dung điều trị, đặc biệt là các chỉ tiêu điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh tại các khoa lâm sàng. Cùng với đó, tăng cường thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường thực hiện hội chẩn từ xa, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với bệnh viện tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; tiếp tục thực hiện Đề án Luân phiên có thời hạn tiếp nhận chuyển giao chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở…