Nỗ lực cho sân bay Long Thành

Sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Trong Tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh 2 nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14. Một là, kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến hết năm 2024 thay vì “hoàn thành trước năm 2021” như yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 53/2017/QH14. Điều này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai giải ngân cho Dự án. Hai là, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024 để tiếp tục hoàn thành Dự án.

Những đề xuất này sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ vào chiều mai và sau đó thảo luận tại hội trường dự kiến vào ngày 9.11. Có thể nhiều đại biểu nhất trí với kiến nghị của Chính phủ và cũng có những đại biểu chưa đồng tình. Dù vậy, hẳn là các đại biểu đều có mối lo chung về việc tiến độ của Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bị kéo dài thêm 3 năm?

Trong Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội yêu cầu giai đoạn 1 xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Hiện tại, Ủy ban Kinh tế đánh giá tiến độ của Dự án này “còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Trong số 4 dự án thành phần, chỉ có dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) và dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không), cơ bản bảo đảm tiến độ theo dự kiến. Dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước), mới có Trụ sở đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam và Trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ công an) đã bố trí vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư; song bố trí vốn của các bộ, tỉnh Đồng Nai còn chậm. Còn dự án thành phần 4 (các công trình khác), UBND tỉnh Đồng Nai mới hoàn thành giải phóng mặt bằng và cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam.

Tính từ thời điểm thông qua chủ trương đầu tư, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã trải qua 3 khóa của Quốc hội. Nếu đến năm 2025 không thể khai thác sân bay Long Thành như mục tiêu đặt ra thì hệ quả rất lớn. Trước mắt có thể thấy chậm tiến độ thường dẫn đến đội vốn, giảm sút hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Vì vậy, dự án chậm hoàn thành ngày nào sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày đó.

Hiện tại, Chính phủ chưa đề cập đến việc có điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13. Điều này cũng có thể hiểu là Chính phủ đang quyết tâm đưa sân bay Long Thành vận hành, khai thác vào năm 2025.

Trong chuyến thăm và thị sát dự án sân bay Long Thành vào tháng 10.2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần: “Tất cả phải nỗ lực để làm xong sân bay Long Thành trong năm 2025”. Cùng với việc xem xét điều chỉnh một số nội dung của Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Kỳ họp thứ Sáu này, trong Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5.2024 Quốc hội sẽ tiến hành giám sát về một số dự án quan trọng của quốc gia, trong đó có sân bay Long Thành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh quyết tâm của Chính phủ và chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, nếu tất cả các bên liên quan đều cùng nỗ lực, rất có thể sân bay Long Thành sẽ về đích đúng hẹn!

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/no-luc-cho-san-bay-long-thanh-i347697/