Nỗ lực chuyển đổi xanh, tái chế sản phẩm

'Chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết, mà là hành động sống còn. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp kết hợp thành công giữa công nghệ, ý tưởng sáng tạo và tinh thần bảo vệ môi trường'.

Đó là nhận định của bà Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại buổi công bố tổ chức “Diễn đàn chuyển đổi xanh và Ngày hội tái chế 2025”, diễn ra chiều 23/7.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói về chuyển đổi xanh. Ảnh: T.Q

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói về chuyển đổi xanh. Ảnh: T.Q

Bà Vũ Kim Hạnh khẳng định, các mô hình tuần hoàn, sản phẩm tái chế, giải pháp xanh sẽ không chỉ nằm trên giấy, đang dần dần bước vào cuộc sống thường nhật. Từng cá nhân, từng doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào hành trình xanh hóa Việt Nam.

Chia sẻ về việc áp dụng sản xuất xanh, ông Lê Anh – Đại diện DUYTAN Recycling cho rằng: “Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng đáng lo ngại, các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt không chỉ trong sản xuất mà còn trong tái tạo giá trị từ vật liệu đã qua sử dụng.

Ông Lê Anh thông tin, để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới doanh nghiệp đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, và hợp tác cùng các đối tác trong nước và quốc tế nhằm khép kín vòng tuần hoàn nhựa”.

Đề cập đến chuyển đổi xanh trong sản xuất, bà Nguyễn Bích Diền – Phó Tổng Giám đốc Faslink (doanh nghiệp dệt may) cho hay, doanh nghiệp đã sử dụng lá dứa làm thành sợi vải. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi xanh cũng gặp không ít khó khăn khi người tiêu dùng đang quan tâm về giá sản phẩm nhiều hơn.

"Chúng tôi không khuyến khích khách hàng mua nhiều sản phẩm nhưng nên mua những sản phẩm xanh hóa, sản phẩm tuần hoàn", bà Diền nói.

Liên quan đến chuyển đổi xanh, một số doanh nghiệp mong muốn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Đặc biệt có chính sách hỗ trợ truyền thông để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Nghĩa là, hy vọng người tiêu dùng sẽ sớm ủng hộ sử dụng những sản phẩm tái chế.

Một số doanh nghiệp ở các ngành nghề đã áp dụng mô hình sản xuất xanh. Ảnh: S.X

Một số doanh nghiệp ở các ngành nghề đã áp dụng mô hình sản xuất xanh. Ảnh: S.X

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã và đang đẩy mạnh hành động với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Mục tiêu Việt Nam hướng đến là thúc đẩy cắt giảm phát thải khí nhà kính với chi phí tối ưu, đồng thời tạo nguồn tài chính mới cho các hoạt động phát triển xanh, tiến tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp cùng các bên tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025. Dự kiến, diễn đàn sẽ là không gian kết nối, đối thoại và lan tỏa giải pháp, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp và đời sống, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng tài nguyên, góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) của Việt Nam.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/no-luc-chuyen-doi-xanh-tai-che-san-pham-10311056.html