Nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công được coi là 1 trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước, là 'đòn bẩy' để phục hồi nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Theo đó, ngay từ tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đưa ra các mục tiêu và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Đã giải ngân được 1,72% kế hoạch vốn
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đến nay đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng trên 36.180 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 602.432 tỷ đồng, đạt trên 85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/1/2023 là 12.819,57 tỷ đồng, đạt 1,72% kế hoạch và đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được 2.800 tỷ đồng; các địa phương dự kiến giải ngân được trên 10.019 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Vốn nước ngoài chưa giải ngân.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong tháng 1/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Ngoài việc giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, năm 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy có thể thấy, khối lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 rất lớn. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 mới đây, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ngay từ đầu năm
Có thể thấy sức ép giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 là rất lớn. Do đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, các bộ, ngành, địa phương đều đưa ra các kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công 94.161 tỷ đồng. Trong tháng 1/2023, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%). Tính đến hết tháng 1/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được 1.700 tỷ đồng (chiếm 1,81% kế hoạch vốn).
Theo Bộ GTVT, để giải ngân hết số vốn này trong năm 2023, trung bình mỗi tháng, đơn vị phải giải ngân được 8.000 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT đã dồn lực cho công tác này ngay từ đầu năm; đồng thời đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất.
Là địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, đồng thời với quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao khi kết thúc năm 2023, Hà Nội cũng đã đưa ra những giải pháp quyết liệt. UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án; tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm đảm bảo tính tuân thủ các quy định và hiệu quả đầu tư công...
Năm 2022, ước thanh toán vốn đầu tư đạt 539.276,51 tỷ đồng
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, kết thúc năm ngân sách 2022 (tính đến ngày 31/1/2023), ước thanh toán vốn đầu tư của cả nước là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 78,08% kế hoạch và đạt 95,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đồng thời, TP. Hà Nội cũng tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục về đầu tư xây dựng, về bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. TP. Hà Nội cũng bố trí, sử dụng vốn NSNN cho đầu tư như là "vốn mồi" để khai thác tối đa các nguồn vốn của thành phần kinh tế khác.
Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Tại tỉnh Khánh Hòa, theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 6.814 tỷ đồng. Để giải ngân 100% số vốn trong năm 2023 cần sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư quán triệt và thực hiện tốt công tác tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đưa ra chủ trương không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch; không bố trí danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2023 nếu chưa được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định...
Bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội...; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Về việc bố trí nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có hướng dẫn cụ thể về tính chất và đối tượng được điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bộ đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án...