Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập
Dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai (TP.Tân Uyên) và dự án giải quyết điểm ngập đoạn từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên (TP.Thủ Dầu Một) đều là những dự án trọng điểm của tỉnh, thi công trong điều kiện phức tạp về địa tầng, thường xuyên bị ngập úng. Ngay trong mùa mưa bão này, chủ đầu tư, đơn vị thi công nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tiến độ đề ra.
Vượt khó trên công trường
Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (Ban QLDA), cho biết năm 2024 Ban QLDA được UBND tỉnh phân công triển khai thực hiện các dự án công trình chống ngập trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên. Trong đó có các dự án trọng điểm với mục đích tiêu thoát nước, góp phần cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, kết hợp phát triển giao thông khu vực.
Theo đó, dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai có tổng chiều dài khoảng 18.950m, bao gồm tuyến suối Cái nhánh chính ra cầu Tổng Bảng dài 14.310m, tuyến suối Cái nhánh phụ ra cầu Bà Kiên dài 4.640m, tổng giá trị đầu tư hơn 4.942 tỷ đồng. Dự án giải quyết điểm ngập từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên (TP.Thủ Dầu Một) có tổng giá trị đầu tư điều chỉnh gần 173 tỷ đồng.
Mỗi khi trời mưa lớn, mặt bằng thi công dự án nạo vét, gia cố suối Cái gần như bị nhấn chìm trong nước
Hai dự án trên đều là dự án trọng điểm, thi công khó khăn vì thường xuyên bị ngập úng, vừa thi công phải bảo đảm tiêu thoát nước, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, vừa bảo đảm giao thông. Tại dự án suối Cái sau những cơn mưa nước toàn bộ khu vực thi công gần như bị nhấn chìm, phải mất 3 - 5 ngày mới bơm hết nước để có thể thi công.
Với tinh thần vượt khó, Ban QLDA đã chủ động tổchức lập, lấy ý kiến địa phương và các ngành thông qua phương án ứng phó thiên tai trên công trường đang triển khai thi công.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đang thực hiện các gói thầu, công trình do Ban QLDA làm chủ đầu tư, chủ động các giải pháp xử lý tình huống khi có mưa lớn, lũ quét tràn vềcông trình đang thi công.
“Ban QLDA yêu cầu nhà thầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện trực 24/24 giờ tại các công trường để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất lợi xảy ra và kịp thời báo cáo chủ đầu tư; kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, phải có đánh giá, cảnh báo cho người dân; thực hiện các biện pháp dẫn dòng, khơi thông dòng chảy hợp lý, bảo đảm tiêu thoát nước tránh gây ngập úng khu vực công trình đang thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ, đời sống và tính mạng, người dân”, ông Vũ Tiến Sơn nói.
Phối hợp đẩy nhanh tiến độ
Ban QDLA đã yêu cầu nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị, nỗ lực hơn nữa, thi công ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành đối với từng hạng mục công trình và cả dự án. Dự án nạo vét, gia cố suối Cái thi công từ ngày 2-1-2024 và dự kiến hoàn thành 2 gói thầu 2A, 2B vào ngày 25- 5-2025. Đến nay, khối lượng thực hiện đạt khoảng 23% theo hợp đồng đã ký kết.
Tại dự án giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống đến cầu Bà Hên hiện đã hoàn thành hạng mục cống trên đường Thích Quảng Đức và đã thông xe kỹ thuật. Dự án được triển khai từ ngày 19-5-2023 và dự kiến hoàn thành vào ngày 8-12- 2024. Đến nay, khối lượng thực hiện đạt khoảng 70% theo hợp đồng đã ký kết.
Dự án nạo vét, gia cố suối Cái được đẩy nhanh tiến độ trong điều kiện cho phép
Ông Vũ Tiến Sơn cho biết thêm, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ thi công 2 gói thầu 2A, 2B, thuộc dự án nạo vét, gia cố suối Cái, Ban QLDA đềnghị UBND TP.Tân Uyên chấp thuận cho nhà thầu thi công sử dụng các tuyến đường để vận chuyển vật tư, vật liệu, đất dư thừa vào các bãi thải trong quá trình thi công 2 gói thầu theo lộ trình đã được khảo sát.
Ban QLDA cũng kiến nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tân Uyên chủ trì thực hiện công tác vận động đối với 16 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời rà soát, củng cố hồ sơ để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp hành chính khi đủ điều kiện. Đối với 1 trường hợp đất công chưa phê duyệt phương án bồi thường đềnghị hoàn chỉnh áp giá, phương án bồi thường và trình Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, UBND TP.Tân Uyên phê duyệt.
Với tinh thần vượt khó, Ban QLDA đã chủ động tổ chức lập, lấy ý kiến địa phương và các ngành thông qua phương án ứng phó thiên tai trên công trường đang triển khai thi công. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đang thực hiện các gói thầu, công trình do Ban QLDA làm chủ đầu tư, chủ động các giải pháp xử lý tình huống khi có mưa lớn, lũ quét tràn về công trình đang thi công.