Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Nước sạch là tiêu chí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới và góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khắc phục khó khăn, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

Người dân xã Lũng Hồ (Yên Minh) được tặng bồn tích trữ nước.

Người dân xã Lũng Hồ (Yên Minh) được tặng bồn tích trữ nước.

Các huyện vùng cao núi đá phía Bắc có địa hình hiểm trở, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn. Để đảm bảo nhu cầu nước sạch cho người dân, huyện Yên Minh quan tâm sửa chữa, cải tạo các công trình cấp nước trên địa bàn. Đồng chí Giang Lộc Thăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện chia sẻ: Bên cạnh hệ thống hồ treo tại các xã, huyện đang duy trì khai thác hiệu quả các công trình, nguồn cấp nước, đập thủy nông đảm bảo công suất phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng chuẩn và nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện là 97.027 người, đạt 93,41%; 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Hướng tới tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch, huyện đã đề xuất với tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để nâng cấp hệ thống ống cấp nước và xử lý nguồn cấp nước tại thôn Bục Bản, thị trấn Yên Minh và nạo vét một số đập thủy nông đảm bảo dung tích chứa nước sinh hoạt.

Thời gian qua, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước tự chảy và hồ treo trữ nước. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 900 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 781 công trình cấp nước tự chảy. Các công trình được đầu tư bài bản và đồng bộ hơn, đặc biệt các công trình được đầu tư khép kín từ hệ thống đập đầu nguồn đến hệ thống bể lắng lọc, đường ống dẫn nước và dẫn nước đến từng gia đình. Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng được thực hiện thường xuyên cùng với ý thức bảo vệ của người dân giúp nâng cao độ bền vững cho các công trình. Các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, điều chỉnh lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn, tổ chức đánh giá hiện trạng công trình, kịp thời đề xuất nâng cấp, lắp đặt hệ thống lắng lọc và các thiết bị. Đồng thời, phối hợp với các chủ đầu tư, cơ quan liên quan triển khai trình tự xây dựng, khai thác, vận hành các công trình cấp nước. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sử dụng nước tiết kiệm, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước trong mùa khô.

Vận hành tốt các hồ treo chứa nước tại các huyện vùng cao.

Vận hành tốt các hồ treo chứa nước tại các huyện vùng cao.

Sau đầu tư, để quản lý, vận hành và nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước đòi hỏi sự linh hoạt, đổi mới của các ngành chức năng, địa phương và đơn vị vận hành. Với mục tiêu đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ quản lý. Đồng thời, xây dựng hệ thống quy chế chặt chẽ về chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch vận hành theo lộ trình cụ thể, tránh thất thu và lãng phí nguồn nước sạch. Hàng năm, nhiều cán bộ địa chính xã, nhân viên quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt được trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành và phương pháp thu thập số liệu bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn. Qua đó vận hành bảo đảm hiệu quả, bền vững, để người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Giai đoạn 2020 – 2024, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh có chuyển biến rõ rệt từ 86% tăng lên 96,19%, cơ bản đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Để hoàn thành mục tiêu đến hết 2025 có 96,38% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 70 để tổ chức thực hiện chi tiết các giải pháp. Trong đó tập trung vào tăng cường tổ chức, quản lý lĩnh vực cấp nước; thu hút đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung và phân tán tại các vùng khan hiếm, khó khăn; ứng dụng khoa học trong xử lý nguồn nước, trữ nước; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202503/no-luc-dua-nuoc-sach-ve-nong-thon-0735131/