Vì sao Dự án Tôn tạo di tích quốc gia ở Thanh Hóa dở dang nhiều năm?

Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê (TP Thanh Hóa) dù đã triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Trải qua hơn 200 năm, Thái miếu đã bị hư hại và được đưa vào trùng tu, tôn tạo.

Trải qua hơn 200 năm, Thái miếu đã bị hư hại và được đưa vào trùng tu, tôn tạo.

Linh thiêng nơi thờ tự 27 hoàng đế thời Hậu Lê

Thái miếu nhà Hậu Lê tọa lạc ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Theo sử sách, Thái miếu nhà Hậu Lê vốn được xây dựng tại vùng đất Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) dưới đời vua Lê Thái Tổ và hoàn chỉnh thời các vua kế vị Lê Thái Tông (1433 - 1442) và Lê Nhân Tông (1442 - 1459).

Sau khi bị hỏa hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long với tên gọi là điện Hoằng Đức.

Đến năm 1805, vua Gia Long ra lệnh chuyển Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ, bên cạnh trấn thành Thanh Hóa nay là làng Quảng Xá, phường Đông Vệ.

Nơi đây đang lưu thờ bài vị của 27 vua, Hoàng Thái Hậu cùng các vương công nhà Hậu Lê. Trong đó có 4 thánh vị cổ của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông.

Thánh vị của Thái tổ Cao Hoàng đế và bài vị của Lê Thần Tông là hai trong số thánh vị được các nhà sử học đánh giá quý hiếm và độc nhất ở xứ Thanh.

Thái miếu nhà Hậu Lê được dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn bao gồm Tiền điện và Hậu điện được nối bằng một sân điện chạy suốt. Tại đây, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị về nhiều phương diện. Nơi đây còn thờ hai bậc công thần khai quốc là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Đặc biệt, còn có 6 bức tượng của Thần Tông Hoàng đế cùng năm bà phi quốc tịch khác nhau: Hà Lan, Mường, hai người vợ Chăm và một bà quê Kinh Bắc.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.

Dưới thời nhà Nguyễn, Thái miếu được coi là quốc miếu và hằng năm tế vào hai tiết xuân thu do quan tỉnh hành lễ.

Hằng năm, cứ vào ngày 21 và 22 tháng 8 âm lịch, người dân Thanh Hóa lại tổ chức các hoạt động lễ hội, dâng hương tại Lam Kinh, Thái miếu nhà Hậu Lê và Tượng đài Lê Lợi như một truyền thống lịch sử duy trì từ bao đời nay.

Qua quá trình lịch sử hơn 200 năm, Thái miếu đã bị xuống cấp, hư hại và mất mát nhiều. UBND tỉnh và TP Thanh Hóa đã cho làm quy hoạch mở rộng, trình và phê duyệt các thủ tục đầu tư. Dự án được giao cho nhà thầu theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 293 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm đại diện chủ đầu tư, liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung và Công ty Cổ phần xây dựng phát triển Hòa Bình trúng thầu thực hiện.

Đến nay, dự án này mới chỉ triển khai được một số hạng mục bảo tồn, tôn tạo, với giá trị thực hiện khoảng 14 tỷ đồng.

 Thái miếu nhà Hậu Lê lưu thờ bài vị của 27 vua, Hoàng Thái Hậu cùng các vương công nhà Hậu Lê.

Thái miếu nhà Hậu Lê lưu thờ bài vị của 27 vua, Hoàng Thái Hậu cùng các vương công nhà Hậu Lê.

Công tác bồi thường, GPMB còn chậm trễ

Liên quan đến dự án, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã có văn bản chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái miếu Nhà Hậu Lê.

Trong đó, yêu cầu UBND TP Thanh Hóa, nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa và các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung cao độ nhân lực, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung công việc được giao, đảm bảo dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật, tiến độ đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao.

Thống nhất chủ trương thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể mặt bằng Công trình di tích lịch sử Thái miếu Nhà Hậu Lê (khu A).

Cùng với khu công viên cây xanh phía trước khu di tích (khu B) tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, để thống nhất tọa độ các mốc giới theo quy hoạch phân khu, hài hòa cảnh quan khu di tích, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, khớp nối với đường giao thông theo quy hoạch phân khu thuận tiện cho sinh hoạt, đi lại của người dân.

Hiện nay, khu dân HĐ-02 thuộc khu dân cư Trường Đại học Hồng Đức (MBQH 2485/QĐ-UBND) tại phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa đã đầu tư hoàn thành kỹ thuật, bàn giao cho UBND TP Thanh Hóa từ năm 2023, gồm 137 lô đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ.

Nhưng đến nay, UBND TP Thanh Hóa chưa hoàn thành các trình tự, thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí tái định cư cho các hộ dân là rất chậm trễ, lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa có trách nhiệm chủ trì làm việc cụ thể với UBND TP Thanh Hóa, nhà đầu tư, để rà soát tổng thể quá trình thực hiện dự án.

Trên cơ sở kết quả rà soát, lập báo cáo tiến độ thực hiện; công tác bồi thường, GPMB để thực hiện dự án; thi công các hạng mục công trình của dự án, việc ứng vốn GPMB; trong đó phải xác định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành các hạng mục công việc theo hướng rút ngắn tối đa thời gian thực hiện; trách nhiệm của các bên và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 28/3.

Sau khi đi kiểm tra việc thực hiện các dự án giao thông lớn, trọng điểm và một số công trình dự án dân dụng, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, liên quan đến dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh đã yêu cầu TP Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn vướng mắc, làm việc với nhà thầu BT để đưa ra cam kết về thời gian thực hiện, hoàn thành để tri ân các bậc tiền nhân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Nguyễn Thùy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-du-an-ton-tao-di-tich-quoc-gia-o-thanh-hoa-do-dang-nhieu-nam-post725484.html