Nỗ lực giảm nghèo bền vững

PTĐT - Đảm bảo an sinh xã hội, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là chủ trương xuyên suốt, nhất quán thể hiện tính ưu việt, nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là điểm nhấn quan trọng.

Cán bộ NHCSXH huyện Yên Lập giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Thảo

Cán bộ NHCSXH huyện Yên Lập giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Thảo

Nhiều năm nay, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân Đất Tổ đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững qua các năm đã tạo nền tảng, nguồn lực vững chắc cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển...Giảm gánh nặng, nhân niềm vui!Bôn ba làm thuê hơn chục năm mà vẫn tay trắng, anh Nguyễn Ngọc Kỳ ở khu 7, xã Đại Nghĩa (nay là khu Đồng Thịnh, xã Hợp Nhất) huyện Đoan Hùng, trở về quê lập gia đình riêng với gia sản vỏn vẹn 4 sào ruộng và căn nhà gỗ đã xuống cấp của bố mẹ để lại. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ quẩn quanh với gánh nặng cơm áo thường nhật càng trở nên khó khăn, thiếu thốn hơn khi hai đứa con lần lượt chào đời kéo theo những chi phí ăn học. Hai vợ chồng tuổi còn trẻ, có sức khỏe mà gia đình bị xếp vào diện hộ nghèo, hưởng hỗ trợ của xã, dẫu cảm ơn chính quyền, dân làng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nhưng trong thâm tâm anh Kỳ rất ái ngại, xấu hổ. Được tham gia lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn, tư vấn mở hướng làm ăn, anh Kỳ tự tin vay thêm tiền đầu tư chuồng nuôi lợn nái. Lứa lợn giống đầu tiên xuất chuồng đúng thời điểm giá thị trường lên cao, gia đình anh thu lãi gần trăm triệu đồng. Có vốn, cùng với duy trì 3 nái lợn, anh đầu tư mua trâu, xe kéo về phục vụ chuyên chở cát xây dựng cho người dân quanh vùng. Năm vừa qua, giá lợn giống lên cao, 2 lứa xuất chuồng liên tiếp đã cho anh khoản thu gần 200 triệu đồng. Hiện tại, 40 con lợn giống trong chuồng sắp đến ngày xuất bán hứa hẹn cho anh chị thêm nguồn thu gần 100 triệu đồng nữa. Thu nhập ổn định, gia đình anh chị đã được xét ra khỏi diện nghèo và mới đây đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố trị giá hơn 500 triệu đồng. Thoát nghèo bền vững, gia đình anh Kỳ giờ rất tích cực giúp đỡ các hộ khó khăn trong xã từ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi đến con giống, vốn... Niềm vui thoát nghèo của gia đình anh Kỳ cũng là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng và các địa phương trong tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Đoan Hùng có 893 hộ được công nhận ra khỏi diện nghèo và 792 hộ ra khỏi diện cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo 7,61% năm 2016 đã giảm xuống 4,73% năm 2019.

Tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều phụ nữ đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định, thoát nghèo bèn vững.- Xưởng may công nghiệp của Công ty TNHH Một thành viên Dương Vân Anh ở khu Đồng Chung, xã Thượng Long, huyện Yên Lập thường xuyên giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương.

Với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được các địa phương trong tỉnh tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh giảm bình quân mỗi năm 1,61%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (chỉ tiêu 1,5%/năm). Nhiều địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao, điển hình như huyện Yên Lập giảm trung bình mỗi năm 3,4% (vượt 0,8% so với kế hoạch), từ 21,2% năm 2016 xuống còn 10,2% năm 2019. Huyện Cẩm Khê hiện còn 9,89% hộ nghèo, giảm 12,79% so với năm 2016. Đặc biệt, tháng 3/2018, huyện Tân Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giờ còn 13,59% giảm 48,41% so với năm 2009... Ông Vũ Tiến Bắc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn khẳng định: “Giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền huyện ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm và tình cảm sâu sắc với đồng bào. Để giảm nghèo nhanh, hiệu quả, đảm bảo bền vững, yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Cùng với việc tập trung nguồn lực hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ vốn vay..., còn cần phải thay đổi nhận thức, tư duy để người nghèo tự phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo mới có thể đảm bảo tính bền vững”.

Hộ nghèo là gánh nặng, mối lo chung của toàn xã hội. Cùng với niềm vui, hạnh phúc, tự hào của các thành viên, mỗi gia đình thoát nghèo là cộng đồng xã hội bớt đi nỗi lo, gánh nặng, thêm nguồn lực để phát triển bền vững. Quan trọng hơn, từ các hoạt động chăm lo, giúp đỡ người nghèo đã nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, truyền thống đạo lý nhân văn tương thân tương ái trong nghĩa đồng bào của dân tộc Việt.

Được tư vấn hướng nghiệp, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, gia đình anh Nguyễn Ngọc Kỳ ở khu Đồng Thịnh, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng đã đầu tư nuôi lợn nái vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Chung sức giảm nghèo

Giảm nghèo bền vững là trách nhiệm, tình cảm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đảm bảo đồng bộ, kịp thời, thiết thực khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, tạo điều kiện để người nghèo thoát nghèo.Với tổng nguồn vốn huy động 2.488,471 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư hàng loạt chương trình, dự án cải thiện điều kiện, nâng cao mức sống của vùng nghèo, người nghèo trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là Dự án Chương trình 30a có tổng nguồn vốn 234.674 triệu đồng đã hỗ trợ 185.669 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng với 12 công trình giao thông, 6 công trình trường học, 4 công trình thủy lợi, 1 công trình cấp nước sinh hoạt...; đầu tư gần 40.000 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện; 600 triệu đồng hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Chương trình 135 có tổng nguồn vốn được cấp 636.713 triệu đồng đã hỗ trợ đầu tư các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn 1.081 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ giống cây trồng, cây ăn quả, cây công nghiệp; giống vật nuôi, vật tư phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; các hoạt động khuyến nông, nâng cao kiến thức cho người dân với tổng kinh phí từ ngân sách trung ương 120.551 triệu đồng; tổ chức 90 lớp tập huấn với 7.928 học viên giúp nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Cùng với các xã thuộc Chương trình 30a, 135, trong giai đoạn 2016-2020, 739 hộ nghèo thuộc các địa phương khác đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với tổng mức đầu tư 9.343,4 triệu đồng. Trong đó, 121 hộ được hỗ trợ trồng bưởi, cải tạo vườn tạp với 4.560 cây bưởi giống; 17 hộ được hỗ trợ trồng 15,5ha chuối phấn vàng; 601 hộ được hỗ trợ 2.524 thùng ong mật. Giúp nhân rộng, lan tỏa mô hình giảm nghèo bền vững, Chương trình đã hỗ trợ cho 313 hộ nghèo tại 19 xã ngoài 30a và 135 thực hiện dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản với tổng kinh phí 6.427,12 triệu đồng...Không chỉ là miếng ăn, cái mặc, để giảm nghèo đa chiều bền vững thì công tác truyền thông, giảm nghèo về thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định giúp người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế gia đình, thêm hiểu biết về trách nhiệm, quyền lợi của mình để tự tin phát huy nội lực thoát nghèo. Từ nguồn vốn trung ương 10.632 triệu đồng, ngân sách địa phương và huy động các nguồn khác 2.450 triệu đồng, các địa phương đã xây dựng và cấp phát trên 3.000 ấn phẩm cẩm nang truyền thông về công tác giảm nghèo, 20.000 tờ gấp tờ rơi; tổ chức 12 hoạt động đối thoại chính sách giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao cho trên 1.800 đại biểu đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở; tổ chức 2 hội nghị truyền thông về giảm nghèo cho 190 cán bộ làm công tác giảm nghèo tại 8 huyện, thành, thị...Được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thông qua các chương trình, dự án, đối tượng người nghèo, người cận nghèo, phụ nữ, người dân tộc thiếu số, đối tượng yếu thế... còn được trực tiếp tham gia vào công tác lập kế hoạch, dự án; đề xuất mô hình chăn nuôi, trồng trọt; chủ động chọn con giống, vật nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng; phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Cùng với đó người dân cũng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, giám sát, tham gia vận hành và duy tu, bảo dưỡng các công trình hỗ trợ tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua mỗi năm, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao đã và đang tạo tiền đề, động lực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, trong đó có mục tiêu giảm bình quân hàng năm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo 2016-2020). Và để đạt được mục tiêu này, cùng với nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể thiếu sự hỗ trợ, chung tay góp sức nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202011/no-luc-giam-ngheo-ben-vung-174142