Nỗ lực giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu quốc gia ở Mèo Vạc

BHG - Với mục tiêu phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ 8,53%, đồng thời hạn chế hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh, huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đến cuối năm 2022, huyện Mèo Vạc có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 57,61%; trên 1.600 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,46%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo, nguyên nhân chủ yếu là do không có đất sản xuất, không có vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, không có công cụ, phương tiện sản xuất… Qua khảo sát trực tiếp, nhu cầu của các hộ nghèo đề nghị hỗ trợ học nghề 1.190 hộ; hỗ trợ việc làm 2.179 hộ; hỗ trợ nhà ở 1.846 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng 6.023 hộ; hỗ trợ sản xuất, sinh kế 5.830 hộ…

Được hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, nhiều gia đình dân tộc thiểu số huyện Mèo Vạc vươn lên thoát nghèo.

Được hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, nhiều gia đình dân tộc thiểu số huyện Mèo Vạc vươn lên thoát nghèo.

Là huyện vùng cao biên giới, nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước, để người dân giảm nghèo bền vững, huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng số vốn huyện được phân bổ trên 193,1 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển trên 119 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hơn 74 tỷ đồng. Đến nay, đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH huyện đầu tư xây dựng 24 công trình gồm giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giáo dục và văn hóa. Thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 8 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 550 hộ, sửa chữa nhà ở cho 107 hộ. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá các chương trình.

Là một trong những hộ nghèo tại xã Niêm Sơn đang được hưởng thụ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, chị Lương Thị Huyền, thôn Bản Tồng chia sẻ: Nhờ được hỗ trợ lợn con để nuôi, tôi tập chung chăm sóc tốt nên đã được bán một lứa lợn. Giờ tôi vừa có tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình, con cái có quần áo, cặp sách mới đến trường, cũng có vốn để mua thêm lợn con về tiếp tục nuôi.

Đồng chí Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn cho biết: Để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền tới bà con, để bà con hiểu và có sự hưởng ứng tích cực khi tham gia. Hiện nay, xã đang triển khai 5 dự án chăn nuôi trâu sinh sản, lợn thương phẩm, hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng trong chăn nuôi lợn sinh sản với tổng kinh phí là 1,1 tỷ đồng. Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án này mà đời sống bà con ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/no-luc-giam-ngheo-ben-vung-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-giao-meo-vac-e421997/