Nỗ lực góp phần vào tiến trình phát triển của quê hương, đất nước

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có một số tờ báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội cùng một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, rất nhiều tờ báo của người Việt đã được xuất bản, tập hợp giới trí thức theo từng nhóm nhỏ, theo các khuynh hướng chính trị khác nhau. Kể từ số Báo Thanh Niên đầu tiên ra ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Gần một thế kỷ qua, đến nay số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo đã trở nên hùng hậu, với hơn 4 vạn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó gần 20 ngàn người được cấp thẻ nhà báo và hơn 24 ngàn người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đủ mọi loại hình báo chí từ truyền thống đến hiện đại, chúng ta tự hào đã có một nền báo chí theo kịp với sự phát triển của báo chí thế giới. Các thế hệ nhà báo cách mạng luôn xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa - như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo cách mạng. Báo chí cách mạng đã tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào tiến trình lịch sử của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi tìm đường cứu nước, đã chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Khi Đảng ta được thành lập, hay khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy báo chí làm mặt trận tư tưởng hàng đầu để cổ vũ phong trào hành động cách mạng, xây dựng đời sống mới, xây dựng con người mới. Đồng thời, báo chí cũng là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại tư tưởng phản động, cơ hội, phản cách mạng của các thế lực thù địch. Trải qua công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, theo lời dạy của Người, các thế hệ nhà báo Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng luôn xác định nhiệm vụ tiên phong của báo chí là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng; lấy báo chí làm mặt trận tuyên truyền, kêu gọi mọi người vì độc lập tự do của dân tộc, xây dựng con người mới, đời sống mới, xã hội mới. Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân tộc đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đến nay, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo đã trở nên vô cùng hùng hậu. Ảnh: NGỌC HẢI

Đến nay, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo đã trở nên vô cùng hùng hậu. Ảnh: NGỌC HẢI

Ở Sóc Trăng, ngay từ những ngày đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cùng với đội ngũ tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh, tờ báo "Chiến đấu" - tiền thân của Báo Sóc Trăng ngày nay cũng ra đời. Đã có rất nhiều nhà báo cách mạng tiên phong đã tận trung với nước, tận hiếu với dân, ngày đêm xung phong ra tuyến lửa; sống và chiến đấu như người lính, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, được nhân dân đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ... Vũ khí của các anh chính là ngòi bút. Với những ngòi bút đó, các anh đã viết nên những bài báo hay, những trang tin đẹp để nung nấu tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ.

Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, trải qua các giai đoạn trong chiến tranh cũng như trong thời bình, đội ngũ những người làm công tác báo chí tỉnh nhà đã không ngừng phát triển về lực lượng, tổ chức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó, góp phần xứng đáng vào truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng anh hùng. Cùng với sự phát triển công nghệ truyền thông, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ những người làm truyền thông địa phương, hệ thống báo chí truyền thông của tỉnh Sóc Trăng đã phát triển vượt bậc. Bên cạnh các cơ quan truyền thông đại chúng tỉnh nhà như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Sóc Trăng, Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng còn có các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, các trang/cổng thông tin điện tử, đặc san, tác phẩm văn học - nghệ thuật... đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin kịp thời, đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn kinh phí đầu tư phát triển sự nghiệp báo chí. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động của các cơ quan báo chí được trang bị tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân, báo chí trong tỉnh có những tiến bộ đáng kể. Các cơ quan báo chí - truyền thông địa phương có bước phát triển về tổ chức; chất lượng hoạt động được cải thiện; thường xuyên tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Báo chí của tỉnh tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, có nhiều tin, bài phản ánh về tình hình sản xuất, kinh doanh, việc thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện các chính sách người có công và chính sách an sinh xã hội; về công tác dân tộc, tôn giáo, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Không chỉ thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là lực lượng quan trọng trong việc cổ vũ, tổ chức các phong trào cách mạng trên địa bàn mà còn giúp Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bài trừ tệ nạn xã hội, tích cực góp phần xây dựng tổ chức đảng, bộ máy chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đội ngũ những người làm báo ở địa phương nỗ lực không ngừng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin kịp thời, đa dạng đến nhân dân. Ảnh: NGỌC HẢI

Đội ngũ những người làm báo ở địa phương nỗ lực không ngừng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin kịp thời, đa dạng đến nhân dân. Ảnh: NGỌC HẢI

Song song với sự phát triển đáng mừng của các cơ quan báo chí, hoạt động của hội nhà báo các cấp trong tỉnh có những chuyển biến tích cực. Hội luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng nhận thức cho hội viên. Các cấp hội luôn coi đây là nhiệm vụ phải làm thường xuyên cùng với hoạt động nghiệp vụ để hội viên luôn nhận thức đúng, không mơ hồ, lệch lạc trước cuộc sống biến động, nhiều chiều hiện nay. Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, từng bước chăm lo, nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo ở địa phương; tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong công tác quy hoạch, quản lý báo chí đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội trên địa bàn; đồng thời, làm tốt công tác tập hợp lực lượng những người làm báo tại địa phương; tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo của các tỉnh bạn; tổ chức, vận động hội viên tích cực tham gia các giải báo chí của tỉnh và toàn quốc. Chất lượng tin, bài của báo chí địa phương được nâng lên, đã có những tác phẩm báo chí được đánh giá cao, đạt giải báo chí cấp tỉnh và Trung ương, tạo sinh khí mới và đà phát triển cho báo chí tỉnh nhà. Đặc biệt, Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng ngày càng có sự tập trung về chủ đề, đề tài, góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đứng trước những yêu cầu mới, Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí Sóc Trăng nói riêng mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, để đổi mới, tạo đột phá, nâng cao chất lượng báo chí thì phải bắt đầu đổi mới từ các cơ quan báo chí. Cần phải chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, cải tiến hình thức phản ánh; xây dựng tổ chức bộ máy đoàn kết, hoạt động hiệu quả. Mỗi tác phẩm báo chí phải có tính chiến đấu, tính nhân văn, thời sự và định hướng dư luận xã hội. Từng nhà báo phải tự đổi mới mình, tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, phấn đấu để nâng cao kiến thức, sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để đạt được những yêu cầu đó, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh, lực lượng báo chí tỉnh nhà phải đoàn kết, nỗ lực, chủ động, linh hoạt trong công tác, phải tự rèn luyện, học hỏi để nâng cao tay nghề, nâng cao đạo đức của người làm báo, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

LÂM THANH

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/no-luc-gop-phan-vao-tien-trinh-phat-trien-cua-que-huong-dat-nuoc-74203.html