Nỗ lực hồi hương cổ vật

Bằng nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, nhiều cổ vật quý lưu lạc tại nước ngoài đã hồi hương. Tuy nhiên, hiện nay các thủ tục hồi hương cổ vật đang gặp một số rào cản về hành lang pháp lý, cơ chế cũng như tài chính.

Tượng đồng “Nữ thần Durga” vừa được hồi hương. Ảnh: Cục DSVHVN.

Tượng đồng “Nữ thần Durga” vừa được hồi hương. Ảnh: Cục DSVHVN.

Những tín hiệu tích cực

Sau ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được hồi hương, mới đây tượng đồng “Nữ thần Durga” đã về tới Việt Nam và được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị cổ vật.

Đây là kết quả của cả một hành trình. Tháng 8/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ phối hợp với Cảnh sát London, Vương quốc Anh tịch thu tượng đồng “Nữ thần Durga” 4 tay có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp và đề xuất khả năng trao trả cổ vật này về Việt Nam…

Trước đó, một số cổ vật Việt Nam đã được hồi hương, nhưng chủ yếu là do các nhà sưu tầm tư nhân trong nước tham gia các phiên đấu giá ở nước ngoài, đấu giá thành công và được đưa về nước.

Đơn cử tháng 3/2023, 2 nhà sưu tầm cổ vật ở TPHCM và Hà Nội cùng hợp tác đấu giá thành công bộ đồ uống trà bằng vàng của triều Nguyễn (niên đại khoảng đời Khải Định) do nhà đấu giá Drouot ở Paris (Pháp) tổ chức, và đã hồi hương những cổ vật này về Việt Nam.

Vào cuối tháng 3/2024, 1 bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền vô cùng quý giá đã được một người Việt sinh sống tại Mỹ bằng mọi cách đấu giá thành công và đưa về Huế. Đây là một trong rất nhiều cổ vật của Việt Nam được hồi hương trong những năm gần đây.

Đồng hành trong việc tìm kiếm các cổ vật lưu lạc tại nước ngoài, TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thông tin, trong nhiều năm qua, nhiều đồ đồng Đông Sơn (trống đồng, chân đèn, thạp đồng, dao găm...), đồ gốm Việt Nam có niên đại từ thời Lý - Trần đến thời Nguyễn, đồ sứ ký kiểu, tranh của các danh họa Việt Nam thời Đông Dương... đã được nhiều nhà sưu tầm tư nhân đấu giá thành công từ các phiên đấu giá ở Paris, London, Amsterdam, New York, Bangkok… đưa về Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, trong khi đó, một số bảo tàng công lập của Việt Nam dù có tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, nhưng không thành công vì nhiều lý do.

Hành trình còn gian truân

Mặc dù số lượng cổ vật hay các bức tranh của các danh họa Việt Nam được hồi hương trong những năm qua gia tăng nhưng tỷ lệ còn rất khiêm tốn so với một lượng lớn cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Đặc biệt là chúng ta đang có quá ít thông tin về cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, kể các cổ vật được rao bán trong các cuộc đấu giá.

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Luật Di sản văn hóa hiện vẫn chưa có một điều luật hay văn bản dưới luật nào quy định, hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật về nước. Do vậy, các tổ chức, cá nhân khi đưa cổ vật Việt Nam hồi hương gặp nhiều thủ tục hành chính, cùng những vướng mắc về thuế, hải quan… Để quản lý tốt hơn sự biến động của các cổ vật, trong Luật Di sản văn hóa, Nhà nước ta khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Tuy nhiên, bà Loan cũng bày tỏ, việc đăng ký cổ vật thuộc sở hữu tư nhân thời gian qua mới chỉ diễn ra lẻ tẻ. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều nhà sưu tầm chưa chứng minh được nguồn gốc cổ vật, hơn nữa giới chơi cổ vật thường mua bán, trao đổi liên tục, chưa kể quy trình kiểm định, đăng ký mất nhiều thời gian, chi phí... Ngoài ra, việc phần lớn cổ vật thuộc sở hữu tư nhân chưa được đăng ký cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó quản lý thị trường cổ vật, gây khó khăn cho việc hồi hương.

Còn theo nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn, cổ vật được hồi hương chủ yếu nhờ các nhà sưu tầm tư nhân tham gia đấu giá ở nước ngoài chứ rất ít bóng dáng bảo tàng công lập. Như vậy sẽ rất khó đưa được cổ vật hồi hương.

Từ thực tiễn việc hồi hương cổ vật trong những năm gần đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội nội dung quy định về việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trong đó, việc ra đời Quỹ hỗ trợ Di sản văn hóa sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để có thêm được nhiều cổ vật, những tài sản vô giá của dân tộc đang bị lưu lạc ở nước ngoài trở về và phát huy giá trị trong thời gian sớm nhất, đồng thời huy động được nguồn lực của xã hội cùng chung tay bảo vệ di sản văn hóa.

Mới đây, tại Điện Kiến Trung (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Cổ vật TPHCM và một số nhà sưu tầm trong nước tổ chức triển lãm “Cổ vật hội tụ” và thu hút đông đảo du khách tham quan. Triển lãm với sự tham gia của 29 nhà sưu tập cổ vật trong nước và giới thiệu đến công chúng 147 cổ vật, hiện vật chế tác dưới thời Nguyễn được sử dụng trong cung đình lẫn dân gian. Đáng chú ý, tại triển lãm, một số tổ chức và cá nhân đã trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/no-luc-hoi-huong-co-vat-10284366.html