Nỗ lực hồi sinh làng nghề truyền thống

Đam mê, đổi mới và không ngừng học hỏi - đó là cách thế hệ kế thừa đang nỗ lực để 'giữ lửa' ở các làng nghề truyền thống. Với những cách riêng của mỗi người, họ đã giúp nhiều làng nghề tưởng chừng lụi tàn nay hồi sinh, thậm chí còn vươn ra thế giới.

Chắp cánh cho sản phẩm quê hương

Cách nay hơn 20 năm, khi mới 12 tuổi, Phạm Thị Hòa (còn gọi là Y Hoa), dân tộc Hrê, ở thôn Làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã theo mẹ, theo bà học nghề dệt thổ cẩm.

Theo chị Y Hoa, bên cạnh các dòng thổ cẩm truyền thống Hrê, chị cách tân, cách điệu màu sắc, kiểu dáng một số sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, thổ cẩm Làng Teng có nhiều sản phẩm, như: túi xách, cà vạt, trang phục đám cưới… Từ cách làm sáng tạo, thổ cẩm do Y Hoa làm đã được lựa chọn để tham gia Triển lãm thế giới - EXPO 2020 diễn ra tại Dubai (cuối năm 2021, đầu năm 2022).

Tiếp nối thành công của đàn chị, chị Phạm Thị Sung (cũng ở thôn Làng Teng) cũng đã chọn khởi nghiệp bằng một cửa hàng chuyên bán thổ cẩm, với không ít thổ cẩm cách tân, biến tấu. Đã có một dạo, những sản phẩm này gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng vượt qua điều tiếng, người trẻ ở làng Teng đã chứng minh con đường của mình. Đó là, vừa giữ lấy bản sắc, chất riêng của tấm thổ cẩm Hrê, vừa có những biến tấu mới lạ, phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện đại, mở rộng phạm vi thị trường của sản phẩm.

 Nghệ nhân Phạm Thị Sung (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) với mô hình "Shop thổ cẩm Hrê" ấp ủ ý tưởng mở không gian trải nghiệm du lịch thổ cẩm, đan lát của dân tộc Hrê. Ảnh: NGỌC OAI

Nghệ nhân Phạm Thị Sung (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) với mô hình "Shop thổ cẩm Hrê" ấp ủ ý tưởng mở không gian trải nghiệm du lịch thổ cẩm, đan lát của dân tộc Hrê. Ảnh: NGỌC OAI

Trong giai đoạn nhiều người trong làng nghề Nam Ô không sống được với nghề thì Bùi Thanh Phú (41 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại từ bỏ con đường kỹ sư công nghệ thông tin (tốt nghiệp Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) để theo đuổi ước mơ mở công ty sản xuất nước mắm truyền thống, tiếp nối nghề gia truyền bốn đời để lại.

Cũng từ kiến thức chuyên môn được học, Phú đã phối hợp với các bạn trẻ Trường Đại học FPT Đà Nẵng để tiến hành ghi hình, làm video về câu chuyện của nghề sản xuất nước mắm cổ truyền ở Nam Ô. Video chỉ dài hơn 2 phút, nhưng đã tái hiện được vẻ đẹp yên bình của làng nghề Nam Ô, khám phá những công đoạn tạo ra sản phẩm nước mắm cổ truyền mà lâu nay nhiều người, nhất là người trẻ chưa biết đến.

Để làm nổi bật câu chuyện, nhóm sử dụng hiệu ứng âm thanh như tiếng từng giọt nước mắm được chắt lọc lồng trong tiếng sóng biển, gợi nhớ không khí làng biển; hay cảnh người làng biển ngồi trầm ngâm, ánh mắt xa xăm nhìn ra biển, người xung quanh từ đông đúc trở nên thưa thớt dần khi làng nghề dần mai một…

“Video mang những điểm đến, câu chuyện đậm chất truyền thống nhưng lại được được kết hợp giữa góc quay, hơi thở hiện đại. Khi nhóm đến thực hiện cảnh quay tại nhà làm mắm, bà con tới ủng hộ, khen ngợi bối cảnh giống hệt như những ngày trước kia. Đặc biệt, nhân vật trong video là những người dân mộc mạc, không quen diễn nhưng họ vẫn hào hứng, vui vẻ khích lệ động viên nhau để có tinh thần quay phim...”, đại diện nhóm sinh viên chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, chia sẻ, nghề sản xuất nước mắm truyền thống được gìn giữ là nhờ nỗ lực của cộng đồng. Làng nghề truyền thống cần được làm mới, tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Như với video trên, du khách ở phương xa có thể biết đến làng nghề, người dân trong làng có nguồn thu nhờ phục vụ du lịch. Chỉ khi người trong làng sống được với nghề thì làng nghề mới được bảo tồn.

Nâng tầm làng nghề 500 năm

Từ cây cỏ bàng mọc tự nhiên ở những vùng đất thấp trũng, ngập nước quanh làng, người dân làng Phò Trạch (TP Huế) đã tạo ra các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống. Đặc biệt từ năm 2021, chị Hồ Thị Sương Lan (ngụ TP Huế), hiện là Giám đốc Công ty TNHH Marie đã cùng đồng hành với người dân làng Phò Trạch tạo ra các sản phẩm cao cấp từ cây cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, cũng như tăng giá trị sản phẩm.

 Làng nghề mây tre đan Bao La (TP Huế) hồi sinh nhờ đẩy mạnh phát triển gắn với các hoạt động du lịch. Ảnh: VĂN THẮNG

Làng nghề mây tre đan Bao La (TP Huế) hồi sinh nhờ đẩy mạnh phát triển gắn với các hoạt động du lịch. Ảnh: VĂN THẮNG

Chị Hồ Thị Sương Lan chia sẻ, nghề làm đệm bàng gắn với người dân làng Phò Trạch hơn 500 năm nay. Khi chưa có đồ nhựa, sản phẩm nơi đây đã cung ứng ra thị trường rất nhiều. Trước sự phát triển nhanh và mạnh, cộng thêm giá thành rẻ của đồ nhựa, thì bây giờ chỉ còn lại một vài nhà duy trì nghề.

Cũng từ đây, chị Lan quyết định đầu tư máy móc trang thiết bị, rồi mua những sản phẩm thô của những người thợ đệm bàng ở làng Phò Trạch về thiết kế lại, kết hợp các chi tiết, văn hóa… để tạo nên một sản phẩm mới, bắt mắt và tiện dụng hơn. Hiện các mặt hàng do Công ty TNHH Marie cùng người thợ làng Phò Trạch thực hiện không chỉ bán cho khách hàng đến Huế du lịch mà bắt đầu có đơn hàng xuất đi các nước như Pháp, Mỹ, Canada...

“Hàng thủ công mỹ nghệ rất kén khách. Khách hàng cao cấp họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua một sản phẩm đắt tiền làm quà lưu niệm hoặc tặng bạn bè, người thân. Nhưng sản phẩm phải xứng đáng và có sự sáng tạo, tính nghệ thuật cao”, chị Lan nhận định.

Trước sức ép về cải tiến chất lượng và mẫu mã thiết kế để bắt nhịp cùng yêu cầu của người tiêu dùng, nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhiều sản phẩm làng nghề dễ bị “chậm chân”, dẫn đến sự mai một trên thị trường. Nghệ nhân Lê Văn Kinh, người thợ thêu có đôi tay tài hoa hàng đầu xứ Huế nhận xét, nhờ sự đam mê, nhiệt tình của thế hệ kế thừa, dám nghĩ dám làm, những làng nghề truyền thống từng bị mai một như đang được hồi sinh trở lại…

Ngày càng nhiều người trẻ tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để giới thiệu văn hóa, cảnh đẹp quê hương và thu hút khách du lịch. Xu hướng này không chỉ giúp quảng bá chân thực hình ảnh địa phương mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho cộng đồng.

XUÂN QUỲNH - NGỌC OAI - VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-hoi-sinh-lang-nghe-truyen-thong-post789389.html