Nỗ lực hơn nữa để mở rộng diện bao phủ đồng bộ của hệ thống an sinh xã hội
Ngày 14/1/2023, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt mục tiêu đề ra
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngành LĐ-TB&XH trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, ngành đã thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Trong đó, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trên 45.000 tỷ đồng, Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hơn 41.000 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ trên 3,700 tỷ đồng.
Đặc biệt, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III năm 2022. Lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với năm trước. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021.
Tuy nhiên, từ đầu quý IV đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường. Trong năm đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 48.835 lao động nữ), vượt mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, cũng trong năm qua, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, trong đó tập trung sửa đổi Luật BHXH.
Về giáo dục nghề nghiệp, ước thực hiện tuyển sinh 2.259.000 người, đạt 108,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp hơn 2.096.000 người, đạt 115% so với kế hoạch.
Đặc biệt, luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người người có công với cách mạng, kinh phí trên 29.000 tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sỹ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước về cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí hơn 835 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ”.
Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ngân sách trung ương bố trí năm 2022 là 8.620 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và khoảng 23 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.
Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí khoảng 28 nghìn tỷ đồng…
Tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân ái, để ai bị bỏ lại phía sau
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì "không chờ đợi ai". Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số điểm cần làm tốt hơn thời gian tới như: chỉ tiêu về tăng năng suất lao động; chủ động trong xây dựng, nghiên cứu chiến lược; phát triển thị trường lao động bền vững; nâng cao cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cố gắng bao phủ rộng hơn đến tất cả các đối tượng. Tệ nạn xã hội, số người nghiện ma túy có xu hướng tăng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp... là các vấn đề cần lưu ý.
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế; với tinh thần tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý phát triển xã hội bền vững-không để ai bị bỏ lại phía sau…
Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao bao gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%. Và chỉ tiêu Chính phủ giao bao gồm: Đưa khoảng 110 - 120 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39 - 40%; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 31,5 - 32%....