Nỗ lực hơn nữa để thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội
Ngày 21/10, trao đổi bên lề Quốc hội, các đại biểu nhấn mạnh, thời gian qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn, vì vậy, phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), khi bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2022, Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức, nguyên nhân là do năm 2021 bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Với tinh thần quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức để có được kết quả như ngày hôm nay.
Thời điểm vào tháng 10/2021, khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều quốc gia vẫn thực hiện chính sách "Zero COVID", Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để từng bước thích nghi với đại dịch.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022, nước ta hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 8%, trong khi đó, kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt.
"Chính vì vậy, có thể thấy rằng, kết quả có được hôm nay là hết sức đáng trân quý. Đạt được kết quả này là nhờ sự ứng biến rất kịp thời và những quyết sách hết sức đúng đắn, trí tuệ của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ" - đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đương đầu, hiện nay, cả thế giới cũng đang gặp phải, xuất hiện rất nhiều yếu tố bất thường. Vấn đề về xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, tình hình lạm phát về giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu của thế giới đều biến động bất thường. Đặc biệt là vấn đề tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến hệ thống tiền tệ của thế giới, cũng như biến động tỷ giá với các đồng ngoại tệ.
Trong thời gian tới, sẽ có thuận lợi, có khó khăn, thậm chí khó khăn nhiều hơn, do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Năm 2021 bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19, vì vậy chỉ còn lại 4 năm để hoàn thành được kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025, cho nên cần nỗ lực rất lớn. Để nền kinh tế có thể tiếp tục giữ vững đà phát triển, phải tập trung cho ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Đại biểu nhấn mạnh cần ba đột phá về thể chế, về hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ đề cập nhiều hơn tới tập trung phát triển văn hóa, chú ý đến văn hóa nhiều hơn so với kinh tế, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, cho y tế. Vì đây là hai lĩnh vực có tác động trực tiếp cũng như ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm.
Kéo dài thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp
Cũng trong ngày 21/10, Quốc hội nghe Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, Nghị quyết 54/2017/QH14 cho Thành phố Hồ Chí Minh là Nghị quyết được ban hành hướng vào chính sách khá phù hợp. Tuy nhiên, có bối cảnh "không may mắn" cho Thành phố Hồ Chí Minh là rơi vào giai đoạn của 3 năm dịch COVID-19. Chính sách của chính quyền để tăng nguồn phí, nguồn thu sẽ không phù hợp với hoàn cảnh nên kết quả đạt được của việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù chưa được như mục tiêu mong muốn.
"Tuy vậy, báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số kết quả tốt, điển hình như chủ động phê duyệt dự án đầu tư, kể cả dự án bước A. Một loạt dự án đã được điều chỉnh, bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ. Điều chỉnh sử dụng nguồn thu để trả lương và thu hút người lao động, Thành phố đã đạt kết quả khá tốt. Các phần khác là tăng thuế, phí để tăng nguồn lực thì rất tiếc rơi vào bối cảnh đại dịch" - đại biểu phân tích.
Về kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh được kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 tới ngày 31/12/2023, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ sự đồng tình. Theo đại biểu, những hạn chế trong việc thực hiện có nguyên nhân khách quan bởi thời gian áp dụng của nhiều chính sách rơi vào thời gian dịch nên không thực hiện được.
"Rất cần thiết có thêm thời gian để Thành phố thực hiện thêm. Kiến nghị này khá phù hợp" - đại biểu nhận định.
Tại Kỳ họp thứ 4 này, trên cơ sở đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023.