Nỗ lực hướng tới xuất khẩu xanh

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững.

Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi sản xuất xanh. Ảnh: Quang Vinh.

Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi sản xuất xanh. Ảnh: Quang Vinh.

Chuẩn bị nguồn hàng

Bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, cùng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đặt ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK). Cùng với đó các thị trường lớn ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, tập trung vào các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi các DN phải tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng XK đủ tiêu chuẩn thích ứng với các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Chia sẻ về vấn đề Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản ở quốc gia có tình trạng mất rừng, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững – Công ty Simexco ĐakLak cho biết, Simexco ĐakLak đã có sự chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ trước, với các vùng trồng liên kết bền vững từ 2009. Simexco DakLak đã nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn EUDR (Quy định 2023/111 về sản xuất hàng hóa không gây mất rừng). DN đang liên kết với hàng nghìn nông hộ, xây dựng các vùng nguyên liệu cà phê đáp ứng tiêu chuẩn của EUDR. Đến nay, hàng năm, Simexco ĐakLak vẫn XK một lượng cà phê khá lớn, từ 50.000-70.000 tấn vào thị trường châu Âu.

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu xanh, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tiến trình xanh hóa ngành dệt may là mục tiêu mà ngành đã đưa ra trong suốt 5 năm qua. Đây là chương trình tất yếu đòi hỏi các DN dệt may Việt Nam phải nỗ lực thực hiện.

Hiện nay, tỷ trọng chương trình phát triển xanh hóa trong lĩnh vực này đã chiếm trên 50%; năm 2023 mục tiêu là đạt tỷ lệ trên 70%. Các DN đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo… liên quan tới nước cấp, nước thải và xử lý nước. Hầu hết các DN thuộc ngành may, sợi, dệt, nhuộm đã đạt được các chuẩn mực trong Luật Môi trường Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai cho biết, nhiều năm qua, DN gỗ trong hiệp hội đang nỗ lực để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp ngay ở Việt Nam, với nguồn gỗ rừng trồng hiện tại chủ yếu là rừng tràm đang được người trồng hợp tác, nhất là khu vực Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán để xây dựng vùng nguyên liệu tiêu chuẩn cho sản xuất.

Việc chuẩn bị nguồn hàng XK của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Ông Lê Văn An - Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam cho biết, các DN ngành cơ khí đang nỗ lực hướng tới công nghệ mới, tận dụng nguồn tài nguyên để thực hiện sản xuất xanh. Theo đó, ngành cơ khí đặt ra chương trình phát triển trồng tre sinh khối trên 15.000 hồ thủy lợi trên cả nước cũng như trên quỹ đất đang trồng keo đã hoàn thành nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Theo tính toán, mỗi ha trồng tre thu được 135 tín chỉ carbon/năm.

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta dự kiến cán mốc gần 800 tỷ USD vào cuối năm 2024, trong đó XK ước đạt 380 - 390 tỷ USD. Mục tiêu xuất nhập khẩu cán mốc gần 1.000 tỷ USD vào năm 2025 sẽ không quá căng thẳng, tuy nhiên điều này đòi hỏi các DN phải tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng XK đủ tiêu chuẩn thích ứng với các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Giới chuyên gia khuyến cáo, DN cần triển khai các hoạt động báo cáo xanh và bền vững, căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế để rà soát quy mô, mức độ phát thải của đơn vị mình đang ở đâu, công nghệ ở mức nào, nếu kém cạnh tranh về phát thải thì cần nâng cấp về công nghệ, cũng là chuyển đổi xanh của DN.

Ngành gỗ nỗ lực hướng tới tiêu chuẩn xanh. Ảnh: M.Hoa.

Ngành gỗ nỗ lực hướng tới tiêu chuẩn xanh. Ảnh: M.Hoa.

Ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Trên thực tế, các quy định xanh của các nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, xuất khẩu như Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức. Cũng theo bà Trang, thực tế cho thấy, các DN cũng đã chủ động triển khai để đáp ứng quy định này.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh là bắt buộc và DN phải tuân thủ khi tham gia vào thị trường, nhất là thị trường EU. Vì thế, DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về những yêu cầu, quy định của EU. Bên cạnh đó, cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh; đặc biệt tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.

Về phía DN, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Marketing Tập đoàn Tonmat Group cho hay, DN đã nhận thức được chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là nhu cầu tất yếu, bắt buộc, đồng thời cũng là cơ hội, nên đã có định hướng cho DN phát triển.

“Hiện tại chúng tôi đã XK sang Nhật, Philippines, Bắc Mỹ và đang nghiên cứu vào thị trường EU. Ngoài ra, ở thị trường trong nước các chủ đầu tư là DN đến từ châu Âu, có yêu cầu rất cao với các DN, sản phẩm về giảm phát thải và chuyển đổi xanh. Đây là một trong những yếu tố bắt buộc chúng tôi phải chuyển đổi. Chúng tôi xác định nếu chuyển đổi xanh từng bước và thành công thì sẽ có cơ hội thu hút dòng tài chính xanh, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng, mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ” - ông Thắng chia sẻ.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có thể phát triển nhảy vọt để trở thành trung tâm sản xuất xanh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, việc cần làm ngay là giảm chi phí hoạt động, giải quyết tính bất ổn nguồn cung nguyên liệu và giá hàng hóa. Trước mắt, DN cần tham gia vào khóa đào tạo hành động khí hậu được thiết lập để giảm thiểu rủi ro môi trường tại công ty; liên hệ với bộ phận hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm (RBH) với tư cách là phòng “một cửa” về quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm áp dụng các công ty trong nước.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho XK Việt Nam, nhưng về lâu dài, việc thực hiện chủ động thỏa thuận này mang lại nhiều cơ hội cho DN. Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để DN có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này. Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng XK của DN đi các thị trường phát triển khác cũng đang thúc đẩy các hành động tương tự EU (Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia...).

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú khuyến nghị, DN cần định vị trong ngắn hạn và trung hạn XK vào thị trường nào. Nếu XK vào EU thì buộc phải chuẩn bị để từ năm 2026 đến 2028 đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh, chống phá rừng... Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc đang dần xây dựng tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững, do đó DN cần có kế hoạch dài hơi.

"Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung hoàn thiện chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho DN trong quá trình xanh hóa. Với các sản phẩm nhập khẩu của những nước khác cũng phải tuân thủ yêu cầu xanh về phát triển bền vững..." - ông Phú nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, DN đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM): DN cần có sự chủ động tìm hiểu về các thỏa thuận xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm XK , đồng thời có sự chuẩn bị và hành động từ sớm và tích cực tăng cường năng lực: vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị… Kiểm soát lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất; đồng thời, hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường...

Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời. Ban hành hướng dẫn thực hiện để triển khai tới các địa phương, dễ dàng cho các DN thực hiện. Đồng thời, phối hợp, đàm phán, đối thoại với các đối tác thương mại để trao đổi cách thức thực thi. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân loại xanh, phát triển hệ thống tài chính xanh.

H.Hương – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/no-luc-huong-toi-xuat-khau-xanh-10296591.html