Nỗ lực lan tỏa niềm tự hào hàng Việt
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động đã lan tỏa, tạo nên chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi hành vi của nhà sản xuất, kinh doanh (SXKD) và người tiêu dùng (NTD) trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.
Để khơi dậy niềm tự hào hàng Việt, thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chức năng, nhiệm vụ đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động trong hệ thống ngành, đến đông đảo nhân dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng cá nhân.
Với vai trò đầu mối triển khai thực hiện CVĐ, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh truyền thông; xây dựng kế hoạch hàng năm về thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tổ chức tham gia hoạt động hội chợ, kết nối cung cầu trong, ngoài tỉnh và tham gia hoạt động truyền thông, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại điện tử (TMĐT).
Đơn vị ban hành công văn chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) SXKD thương mại thực hiện các hoạt động bán hàng Việt chất lượng, an toàn với giá cả hợp lý tại các điểm bán lẻ của DN. Các DN, hợp tác xã trên địa bàn đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng CVĐ, quan tâm phát triển thị trường tại địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; tích cực tham gia Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế.
Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các địa phương, đến nay, hàng hóa tại siêu thị, hội chợ triển lãm, các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn đã đảm bảo 70 - 80% là hàng trong nước với chất lượng, mẫu mã ngày càng được nâng cao, giá cả phù hợp.
Bà Nguyễn Lan Anh - Chủ cửa hàng kinh doanh hàng hóa trên đường Yên Ninh thành phố Yên Bái cho biết: "Qua theo dõi và đánh giá tâm lý tiêu dùng của khách hàng, đại đa số NTD khi mua sắm tại cửa hàng đều đã lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước từ hàng thiết yếu đến các đồ gia dụng. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu người mua, cửa hàng chú trọng nhập, phân phối các mặt hàng thương hiệu Việt; trong đó, ưu tiên các mặt hàng được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Không chỉ tại thành phố, giờ đây tâm lý tiêu dùng của người dân ở nông thôn cũng đã có sự thay đổi, từ ưu tiên sang ưa chuộng và tự hào khi dùng hàng Việt.
Chị Nguyễn Thị Tuyến, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho biết: "Thời gian gần đây, tôi cũng như các thành viên trong gia đình luôn tin dùng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Hiện nay, tại các cửa hàng tạp hóa, phiên chợ quê đã bày bán rất nhiều hàng Việt với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng, đáp ứng được thị yếu khách hàng tại khu vực nông thôn”.
Theo đánh giá của ngành công thương, bên cạnh những nhãn hiệu nổi tiếng đã được NTD tin tưởng, lựa chọn thì một số sản phẩm, nhất là các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày vẫn còn hạn chế cả về chất lượng, đặc biệt là thương hiệu.
Việc tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng như mở rộng tìm kiếm thị trường của các DN SXKD còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục. Một bộ phận trong dân cư vẫn có tư tưởng tin dùng sản phẩm nhập ngoại hơn là sản phẩm nội địa do chất lượng, mẫu mã hơn hẳn sản phẩm cùng loại trong nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển sâu và rộng, cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường ngày càng khốc liệt, không chỉ là cạnh tranh với hàng hóa giá cả, chất lượng thấp, xu thế tiêu dùng mới tạo ra cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu xa xỉ, giá trị lớn từ khu vực châu Mỹ, Âu và đặc biệt là cạnh tranh hàng hóa chất lượng tốt, giá thành thấp từ khu vực ASEAN.
Do vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả CVĐ, thời gian tới, ngành công thương chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo CVĐ, các ngành liên quan, các tổ chức... tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để đẩy mạnh CVĐ.
Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, tết...; vận động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt, bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tổ chức khuyến mại, tổ chức hội chợ. Xây dựng chương trình đưa hàng Việt về khu công nhân, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi NTD.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát các quy định để đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ cho các DN phát triển sản xuất và phát triển thị trường trong nước theo tinh thần CVĐ…
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/303012/no-luc-lan-toa-niem-tu-hao-hang-viet.aspx