Nỗ lực lành mạnh thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã và đang triển khai một loạt giải pháp để lành mạnh thị trường.

Chuyển cơ quan điều tra 35 vụ việc

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016 - 2021, thị trường vốn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm; thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019 - 2021 trên 30%/năm. Qua đó, dần thu hẹp khoảng cách và cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng.

Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn, bao gồm phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá cổ phần hóa năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thị trường vốn đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế và phát triển cân bằng với thị trường tiền tệ, tín dụng.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính thừa nhận thời gian gần đây, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh như vụ việc của FLC, Louis Holding.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nên phát sinh rủi ro như nhà đầu tư gian lận khi xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; các công ty chưa tuân thủ pháp luật trong tư vấn hồ sơ chào bán như Tân Hoàng Minh; tình hình tài chính của doanh nghiệp hạn chế...

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần ổn định thị trường.

Cụ thể, với thị trường cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đề nghị các Sở giao dịch Chứng khoán có báo cáo phân tích các cổ phiếu liên quan; báo cáo về tình hình thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh tại các phiên biến động mạnh, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh...

Tính chung từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra, hủy giao dịch đối với 74,8 triệu cổ phiếu, phong tỏa tài khoản, xử lý hành chính trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, giao dịch không đúng quy định; chủ động chuyển cơ quan điều tra hồ sơ của Công ty Louis Holding và 34 vụ việc của các công ty khác có vi phạm; đồng thời, đề nghị khởi tố 6 vụ việc.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong năm nay, cơ quan quản lý đã phối hợp với cơ quan điều tra trong vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tổ chức kiểm tra 5 công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc này.

Tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm

Để lành mạnh hóa thị trường, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11.7.2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ yêu cầu cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường; đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề liên quan tới quản lý thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán. Đồng thời, tăng cường quản lý giám sát bao gồm cả việc giám sát liên thông với Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Bộ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện cơ quan xác nhận, tăng cường giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, cơ quan này sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường.

Đối với công ty đại chúng, tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục triển khai và hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2022; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm…

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/no-luc-lanh-manh-thi-truong-chung-khoan-i298099/