Nỗ lực phát triển lâm nghiệp bền vững

Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi từ việc trồng, bảo vệ, sử dụng đến chế biến gỗ, thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng... là mục tiêu quan trọng được tỉnh xác định, chú trọng thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Người dân huyện Phù Ninh chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp từ bạch đàn sang cây keo lai, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế rừng sản xuất.

Người dân huyện Phù Ninh chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp từ bạch đàn sang cây keo lai, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế rừng sản xuất.

Theo đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, ngành Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ở khu vực miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, ngành; sự phối hợp của các cấp chính quyền, thời gian qua, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được chú trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Các giải pháp tập trung đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững được tích cực triển khai, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng...

Hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành Lâm nghiệp bình quân 3,3%/năm, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần trên đơn vị diện tích so với năm 2021. Hàng năm, trồng mới rừng tập trung bình quân đạt 9,15 nghìn ha, 2 triệu cây phân tán. Đến năm 2025, diện tích rừng cây gỗ lớn đạt 20.000ha, cây quế đạt 3.000ha, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng 500ha...

Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều nhóm giải pháp đã được tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, thông tin tuyên truyền; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đi đôi với phát triển, sử dụng rừng hợp lý; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ... được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Công tác phát triển rừng gắn với gia tăng giá trị rừng sản xuất được ngành Nông nghiệp, các địa phương đặc quan tâm để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân. Hàng năm, ngành Nông nghiệp, các địa phương nỗ lực duy trì diện tích rừng sản xuất, chú trọng trồng bổ sung đi đôi với thâm canh, chăm sóc để rừng đạt năng suất, sản lượng cao, ổn định.

Đồng chí Hoàng Anh Vũ - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn chia sẻ: Thông qua các đề án, chính sách, mô hình như: Trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp, mở rộng diện tích trồng quế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại các địa phương gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị; công tác cấp chứng chỉ rừng bền vững, gắn trồng rừng với phát triển ngành công nghiệp chế biến... được đồng bộ triển khai thực hiện đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế rừng sản xuất toàn tỉnh. Chất lượng, năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện, sản lượng gỗ khai thác tăng cao; giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp tăng 3,93% so với năm 2022, tỷ trọng (theo giá hiện hành) trong cơ cấu toàn ngành chiếm 6,9%.

Với sự nỗ lực thực hiện, đến nay, nhiều chỉ tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững đến năm 2025 đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2021 - 2023, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới 9,27 nghìn ha. Riêng năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9,4 nghìn ha; trồng 2,4 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác đạt 771,3 nghìn m3, tăng 4% so với năm trước. Diện tích trồng quế tập trung của tỉnh đã vượt chỉ tiêu giai đoạn, đạt 4,5 nghìn ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,6%, diện tích rừng gỗ lớn đạt 15,4 nghìn ha, gần 20ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững...

Bảo vệ, phát triển rừng bền vững đã mang lại hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển. Năm 2024 được xác định là thời gian quan trọng để tăng tốc nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Đồng thời, tỉnh khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, đưa lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/no-luc-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-214278.htm