Nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Công tác đào tạo nghề gắn với việc làm được Trường cao đẳng Nghề Phú Yên phát huy trong thời gian qua. Ảnh: THÚY HẰNG

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 07 về tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng. Qua 5 năm thực hiện, số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chuyển biến tích cực

Sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 07 về tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng, UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch 96, xác định các chỉ tiêu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện chương trình hành động.

Kết quả, sau 5 năm triển khai toàn tỉnh đã có 37.887 người được tuyển mới để đào tạo nghề; trong đó đào tạo dài hạn (trung cấp, cao đẳng) là 11.866 người, đào tạo ngắn hạn 26.021 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đến cuối năm 2020 là 70%, tăng 15% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 51% trong tổng số lao động đang hoạt động kinh tế thường xuyên, đạt 100% so với kế hoạch đề ra.

Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, toàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn về bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học theo quy định.

100% cán bộ công chức cấp xã đã qua đào tạo trình độ chuyên môn, đạt chuẩn theo Thông tư 06/2012 của Bộ Nội vụ. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có kỹ sư nông - lâm nghiệp, địa chính hoặc thủy sản (đối với các xã ven biển, miền núi); các phường đều có công chức trình độ đại học chuyên ngành xây dựng, quản lý đô thị, kinh tế.

Về chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, tỉ lệ giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn nâng từ 99,48% (đầu năm 2016) lên 99,98% (trong đó 76,92% đạt trình độ trên chuẩn); 64,9% giảng viên cao đẳng (chỉ tiêu 60%) và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ hoặc tương đương. Số học sinh tốt nghiệp THPT thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Đến nay, bình quân 297 sinh viên/ vạn dân, đạt 92,8% so với chỉ tiêu đề ra (320 sinh viên/ vạn dân).

Báo cáo tổng kết Kế hoạch 96 về triển khai thực hiện Chương trình hành động 07 của Tỉnh ủy cũng nêu rõ, bên cạnh nâng cao chất lượng GD-ĐT, dạy nghề, trong 5 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, đã cử nhiều người đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước.

Đồng thời trung bình mỗi năm đưa gần 2.200 lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài, đạt gấp 4 lần chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút, bố trí công tác cho nhiều người thuộc diện nhân lực trình độ cao, trong đó có 83 bác sĩ (64 bác sĩ đa khoa, 8 bác sĩ y học cổ truyền, 11 bác sĩ y học dự phòng).

Đào tạo nhân lực theo cách tiếp cận thực tế hơn

Theo nhìn nhận của UBND tỉnh, nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã được cả hệ thống chính trị chú trọng, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn một số tồn tại hạn chế, rõ nhất là chưa có những đột phá trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Làm tốt công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động đã qua đào tạo; thực hiện có hiệu quả phân luồng học sinh THCS, đảm bảo số lượng thanh niên trong độ tuổi được học nghề; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị; thực hiện phân công, bố trí công việc cho cán bộ, công chức theo trình độ chuyên môn, khả năng của từng người nhằm phát huy sở trường, năng lực sáng tạo và hiệu quả lao động.

Học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Ảnh: THÚY HẰNG

Học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Ảnh: THÚY HẰNG

Từng cơ quan, đơn vị phải thường xuyên rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực của cấp mình, đơn vị mình để xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị; định ra lộ trình và cân đối, huy động các nguồn lực để thực hiện.

Lợi thế của Phú Yên là có rất nhiều trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh, do đó, tỉnh luôn khuyến khích người dân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Đồng thời mong muốn các trường không ngừng đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cùng với việc nhanh chóng áp dụng công nghệ mới, kiến thức mới để cải thiện chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

TS Nguyễn Định, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Phú Yên, cho biết: Để thực hiện tốt sứ mệnh được giao, nhà trường tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo trên các lĩnh vực chính là: sư phạm, du lịch - dịch vụ; ngoại ngữ, kỹ thuật - công nghệ, xã hội và nhân văn. Đây là những ngành phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng, một số ngành nghề sẽ biến mất, một số khác xuất hiện và những ngành khác lại thay đổi. Vì vậy, nguồn nhân lực cũng phải được chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn và theo cách tiếp cận thực tế hơn.

Ngoài các cơ sở đào tạo trực thuộc tỉnh, Phú Yên còn có 2 trường đại học Xây dựng Miền Trung, cao đẳng Công Thương Miền Trung trực thuộc các bộ Xây dựng, Công thương và một Phân viện Ngân hàng nên việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất thuận lợi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định sự tăng trưởng và phát triển xã hội.

Xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là nhóm nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có tâm huyết với địa phương, có đủ năng lực nghiên cứu, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp với đặc điểm thực tế của địa phương trong xu hướng phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ… là rất cần thiết đối với tỉnh trong thời gian tới.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/246506/no-luc-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.html