Nỗ lực trở thành nhà cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, xuất khẩu sản phẩm Halal của chúng ta vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong khi đó, đây là khu vực thị trường giàu tiềm năng với mức chi tiêu của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu cho thực phẩm Halal đạt khoảng 1.900 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal như: Chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa Halal, thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal còn nhiều hạn chế...
Nhu cầu hàng Halal tăng cao
Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết: Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Halal của Việt Nam sang thị trường Trung Ðông và châu Phi ước đạt gần 700 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Ai Cập, Nam Phi, Nigeria chiếm tỷ trọng lớn nhất. Khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Ðông và châu Phi là sản phẩm Halal.
Các mặt hàng thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal cũng chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang khu vực này. Tuy nhiên, đây vẫn là con số ít ỏi so với nhu cầu thực tế bởi khu vực Trung Ðông có thu nhập và tỷ lệ tiêu dùng bình quân đầu người cao, phần đông là người Hồi giáo nhưng lương thực, thực phẩm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Tương tự, tại khu vực Bắc Phi, nhu cầu thực phẩm nhập khẩu rất cao. Hiện các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Ðông và châu Phi là thủy sản, gạo, tiêu, điều, cà-phê và các sản phẩm từ dừa. Thực phẩm chế biến gồm thịt gia cầm, thịt bò, sữa…
Tại khu vực Ðông Nam Á, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường thông tin, Indonesia có dân số lớn thứ 4 thế giới với 87% là người Hồi giáo. Năm 2023, quy mô thị trường Halal Indonesia đạt khoảng 279 tỷ USD. Dự báo năm 2025 sẽ đạt 282 tỷ USD, chiếm 11,34% chi tiêu sản phẩm Halal toàn cầu. Sự gia tăng này là nhờ tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu của Indonesia.
Mặt khác, nước này có tầng lớp trung lưu lớn với khoảng 50 triệu người và tiếp tục gia tăng nhanh đang là động lực thúc đẩy tiêu dùng. Năm 2023, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng Halal của Indonesia đạt khoảng 14,6 tỷ USD.
Và Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi xuất khẩu các sản phẩm Halal sang Indonesia do đây là thị trường dễ tính hơn so với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản; văn hóa Á Ðông gần gũi với Việt Nam; khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa; được hưởng ưu đãi thuế quan nội khối do thuộc Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) và có các hiệp định thương mại tự do (FTA) khối ASEAN với các đối tác và Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Những năm gần đây, hàng hóa Việt Nam cũng từng bước khẳng định vị thế của mình tại thị trường Indonesia với kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhờ có lợi thế so sánh đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản. Ngoài ra, nông sản Việt Nam có thuận lợi trong vận chuyển do một số hãng hàng không đã có kết nối đường bay thẳng từ Việt Nam đến Indonesia.
Thị trường Halal Malaysia đang rất rộng cửa cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung giữa Việt Nam và Malaysia trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 10,63 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Lê Phú Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia
Trong số các mặt hàng nông sản, đáng chú ý là mặt hàng gạo tăng trưởng tới 131,2% và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng tới 9,8%, đứng thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Malaysia, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 8,5%). Cùng với gạo, mặt hàng cà-phê cũng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 117,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xóa bỏ điểm nghẽn
Theo ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty tư vấn doanh nghiệp Consultech, Việt Nam có thế mạnh là hàng nông sản và thực phẩm chế biến - những sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Hồi giáo. Chúng ta có khả năng cao đưa ngành công nghiệp Halal trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân và thâm nhập sâu vào thị trường Halal toàn cầu.
Ðiều này là nhờ vào ba yếu tố chính: Thế mạnh trong sản xuất, xuất khẩu và phát triển các ngành nông nghiệp, thực phẩm; thị trường xuất khẩu rộng lớn với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực; có các chính sách, chiến lược, nền tảng pháp lý quan trọng định hình cho sự phát triển của ngành công nghiệp Halal.
Ngoài ra, các quốc gia Hồi giáo có ấn tượng tốt về chính sách và sự phát triển kinh tế, thương mại và hợp tác quốc tế cũng như sự đầu tư vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo, dẫn đến tâm lý e ngại và chưa mạnh dạn đầu tư; gặp nhiều khó khăn trong chứng nhận sản phẩm Halal do có nhiều tiêu chuẩn riêng biệt cho từng khu vực thị trường làm phát sinh chi phí; hệ thống sản xuất chưa bảo đảm tiêu chuẩn Halal; thiếu nguồn nhân sự (nhân viên theo đạo Hồi làm quản lý quy trình sản xuất Halal) và thiếu nguyên liệu Halal…
Ðể giải quyết những điểm nghẽn này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal (HCA Việt Nam) cho biết: Ðể xuất khẩu vào thị trường Halal, các sản phẩm phải được cấp giấy chứng nhận Halal bởi các tổ chức được công nhận quốc tế. Doanh nghiệp cần chọn tổ chức chứng nhận được chấp nhận ở thị trường xuất khẩu.
Cụ thể như tại Malaysia, tất cả thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu được bán trên thị trường Malaysia sẽ không được mô tả là Halal trừ khi tuân thủ các yêu cầu hoặc được chứng nhận là Halal bởi cơ quan chứng nhận Halal nước ngoài được Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) công nhận.
Tại Saudi Arabia, chứng chỉ Halal phải được cung cấp bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký với Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Saudi Arabia (SFDA). Còn tại UAE, các cơ sở phải có giấy chứng nhận Halal cho sản phẩm cuối cùng và nguyên liệu từ các Tổ chức Chứng nhận Halal đã đăng ký với Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến (MoIAT).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hết sức chú ý đến việc thiết kế bao bì, dấu hiệu, biểu tượng, logo, tên sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Halal. Cụ thể như, không sử dụng các hình ảnh minh họa là Haram (bất hợp pháp/không được phép hoặc bị cấm) hoặc hình ảnh dẫn đến hiểu nhầm/ đi ngược lại với nguyên tắc của Luật Hồi giáo.
Tên của sản phẩm không được đặt tên trùng hoặc đồng nghĩa với sản phẩm không phải là Halal như: Hamburger, thịt lợn muối…; không bao gồm tên của các ngày lễ không thuộc về Hồi giáo (thí dụ: Christmas, Valentine,...). Ðồng thời, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các quy định mới về Halal trên toàn cầu để thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal sang các thị trường tiềm năng.