Nỗ lực vì người học
Nhận định giá SGK có tác động lớn đến xã hội nên suốt thời gian dài vừa qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã quan tâm đặc biệt đến vấn đề này...
Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK và thực hiện xã hội hóa trong biên soạn SGK.
Chủ trương này giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước; đồng thời huy động được nhiều tổ chức, đông đảo nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ, uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn SGK.
Đến nay, các bộ SGK theo chương trình mới cho các khối lớp đã hoàn thành và được phê duyệt theo đúng kế hoạch với chất lượng đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Hệ thống SGK phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn bộ sách phù hợp.
Việc cung ứng, phát hành SGK được các nhà xuất bản thực hiện đa dạng, với nhiều phương thức, kênh phát hành. Chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được ngành Giáo dục, các nhà xuất bản, địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai…
Theo tinh thần xã hội hóa biên soạn SGK tại Nghị quyết 88, đơn vị tham gia biên soạn SGK là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân. Các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Cạnh tranh.
Các văn bản pháp luật nói trên đã có quy định về tài chính cho biên soạn sách nói chung, SGK nói riêng. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính…
Vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, SGK theo Chương trình GDPT 2018 tăng so với SGK theo Chương trình GDPT 2006. Tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo còn diễn ra cũng dẫn tới tăng chi phí mua sách. Chi phí phát hành SGK được cho là còn cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Còn phụ huynh, học sinh phản ánh gặp phiền hà trong việc mua SGK qua hệ thống cửa hàng bán lẻ…
Nhận định giá SGK có tác động lớn đến xã hội nên suốt thời gian dài vừa qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Một động thái mạnh mẽ là đề xuất đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và việc này đã trở thành hiện thực khi Luật Giá được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thực hiện quy định này, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với SGK. Cùng với đó, hàng chục văn bản đề nghị rà soát, triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, đặc biệt chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận... được ban hành.
Từ đó, các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá SGK, mức giảm phổ biến từ 5% - 15% tùy từng cuốn sách. Mới đây nhất, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giảm 9,6% giá các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 11 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; giá của bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%. Đây là một nỗ lực rất lớn cần được ghi nhận.
Ngoài hàng loạt giải pháp nhằm bảo đảm tất cả học sinh đều có SGK đã triển khai trong thời gian qua, còn một vấn đề cần được quan tâm nghiêm túc hơn, đó chính là việc biên soạn SGK điện tử.
Dù còn một số khó khăn, như hạn chế về nguồn lực trong khi chi phí đầu tư phát triển sách điện tử cho GDPT rất lớn; những quy định, hướng dẫn của Nhà nước về lĩnh vực này chưa cụ thể, chi tiết để áp dụng triển khai…; tuy nhiên đây là việc cần làm để đáp ứng xu thế phát triển. Thực hiện thí điểm biên soạn SGK điện tử cần được quan tâm hơn nữa, kèm với đó là có cơ chế để tạo nguồn lực cũng như giá thành khi phát hành loại sách này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-vi-nguoi-hoc-post686417.html