Nỗ lực vượt khó, đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến ngành GDĐT tỉnh; học sinh phải thường xuyên chuyển đổi giữa 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng; nhà trường và giáo viên có phần lúng túng trong công tác quản lý, giảng dạy… Phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã phỏng vấn đồng chí Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GDĐT về những giải pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng các kỳ thi, nhất là 2 kỳ thi quan trọng sắp tới, đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thầy và trò Trường THCS thị trấn Lập Thạch nỗ lực vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thi đua "Dạy tốt - Học tốt"

Thầy và trò Trường THCS thị trấn Lập Thạch nỗ lực vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thi đua "Dạy tốt - Học tốt"

PV: Thưa đồng chí, 3 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục như thế nào? Đặc biệt là đối với học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12?

Đồng chí Phạm Khương Duy: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên thế giới đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ngành GDĐT tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn khi vừa phải tổ chức dạy học, vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Trong tình thế phải tạm thời chuyển trạng thái học tập sang hình thức học trực tuyến, các nhà trường khó quản lý về chất lượng chuyên môn hơn so với dạy học trực tiếp.

Công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ học sinh trong học trực tuyến gặp nhiều khó khăn; hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của các trường học chưa đồng bộ, năng lực khai thác các phần mềm và ứng dụng CNTT vào dạy học trực tuyến của một số giáo viên còn hạn chế; nhiều gia đình học sinh chưa có đủ thiết bị, chưa đảm bảo đường truyền internet phục vụ học trực tuyến…

Thời điểm dịch bệnh bùng phát, xâm nhập vào trường học, đặc biệt sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số lượng học sinh, giáo viên mắc Covid-19 tăng nhanh khiến sức khỏe, tâm lý của học sinh, cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng; nhiều học sinh phải thực hiện cách ly, điều trị nên công tác dạy - học càng khó khăn.

Học sinh lớp 9, lớp 12 bị ảnh hưởng nhiều nhất, các em phải ôn tập để dự kỳ thi cuối cấp và tuyển sinh bậc học cao hơn nên phải học tập khối lượng kiến thức nhiều, tâm lý có phần lo lắng…

PV: Trước tình hình đó, ngành GDĐT tỉnh đã có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng giáo dục, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018?

Đồng chí Phạm Khương Duy: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GDĐT tỉnh nỗ lực, chủ động, linh hoạt vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức dạy học.

Sở GDĐT kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị, nhà trường tích cực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học trực tiếp - trực tuyến; xây dựng kế hoạch giáo dục, sẵn sàng kịch bản thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19.

Triển khai dạy học các nội dung trọng tâm, cốt lõi; xây dựng kho học liệu, video bài giảng điện tử sẵn sàng cho công tác dạy học trực tuyến; tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tiếp - trực tuyến hiệu quả, phù hợp với điều kiện, diễn biến dịch Covid-19; phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh đúng lộ trình…

Đối với việc triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường tiếp tục tập trung giảng dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6; đồng thời, từng bước đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác tập huấn, công tác lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023.

Bên cạnh đó, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tinh thần nhiệt huyết, tích cực, sáng tạo trong công tác giảng dạy; quan tâm sức khỏe tinh thần và phát huy sự chủ động, tự giác học tập của học sinh.

Nhờ đó, ngành GDĐT tỉnh đã hoàn thành chương trình năm học theo đúng khung kế hoạch của Bộ GDĐT. Chất lượng giáo dục được giữ vững và phát triển ổn định; nổi bật là kết quả thi tốt nghiệp THPT của Vĩnh Phúc đứng vị trí thứ 6 (năm 2020) và vị trí thứ 5 (năm 2021) so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; chất lượng học sinh giỏi quốc gia luôn đứng tốp đầu cả nước; 3 năm liền có học sinh đạt giải tại kỳ thi Olympic quốc tế.

PV: Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố đã có sự điều chỉnh như giảm môn thi thứ 4, khoanh vùng kiến thức, nhưng Vĩnh Phúc vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh. Vậy, ngành có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo hiệu quả của các kỳ thi và giảm áp lực cho học sinh?

Đồng chí Phạm Khương Duy: Vĩnh Phúc giữ ổn định phương thức tuyển sinh năm học 2022-2023 nhằm đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh khối THCS, tránh học lệch, học tủ, học để thi của học sinh, từ đó, đảm bảo duy trì chất lượng đầu vào của các trường THPT.

Hơn nữa, việc giữ ổn định phương thức tuyển sinh còn đảm bảo tính ổn định trong định hướng tổ chức dạy học, ôn tập và tâm lý học sinh đối với kỳ thi, không gây xáo trộn, hoang mang trong khâu chuẩn bị.

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ngành GDĐT thực hiện tốt công tác truyền thông đến phụ huynh, học sinh về phương thức tuyển sinh, hướng dẫn tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; phạm vi kiến thức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chủ yếu tập trung vào lớp 9, trong sách giáo khoa hiện hành, mức độ đề phù hợp, đảm bảo phân hóa và thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS; hướng dẫn học sinh đăng ký tuyển sinh trên phần mềm trực tuyến; phổ biến quy chế thi đến học sinh…

Công tác hướng dẫn học sinh ôn tập được các nhà trường triển khai tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và linh hoạt chuyển đổi giữa hai hình thức dạy học trực tiếp - trực tuyến, trong đó tận dụng tối đa thời gian học sinh đến trường để hướng dẫn các em ôn luyện; đặc biệt chú trọng phát huy tinh thần chủ động, tự giác và khả năng tự học của học sinh lớp 9 để nâng cao hiệu quả, chất lượng ôn tập.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 đang đến gần, ngành Giáo dục tỉnh đã chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 như thế nào để đảm bảo kỳ thi kết quả cao?

Đồng chí Phạm Khương Duy: Ngành GDĐT Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó yêu cầu các đơn vị tập trung các nội dung:

Xây dựng kế hoạch ôn tập: Các đơn vị, nhà trường yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; đồng thời, trên cơ sở chương trình lớp 12 THPT, khung kế hoạch thời gian năm học, hướng dẫn đối với các môn thi tốt nghiệp THPT và việc lựa chọn bài thi của học sinh (bài thi KHTN, KHXH) để xây dựng kế hoạch ôn tập cho cho học sinh lớp 12.

Tổ chức các lớp ôn tập: Căn cứ kết quả học tập hằng ngày, kết quả khảo sát, sự lựa chọn môn thi của học sinh, nhà trường phân loại học sinh thành các nhóm, các lớp để tổ chức ôn tập cho phù hợp.

Quá trình ôn tập, hướng dẫn học sinh vận dụng các phương pháp ôn luyện phù hợp kết hợp ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp với khả năng tự học của học sinh; sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhưng không quá tải.

Công tác lựa chọn giáo viên ôn tập cho học sinh lớp 12 được đặt lên hàng đầu, lựa chọn các giáo viên nhiệt tình, quan tâm sát sao tới học sinh, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm; đặc biệt ưu tiên lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ nhóm học sinh yếu kém.

Ra đề kiểm tra, đánh giá công tác ôn tập: Căn cứ nội dung đã được tập huấn, các đơn vị chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn tuân thủ việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá công tác ôn tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn; bám sát Bộ đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GDĐT về mức độ, phạm vi kiến thức và hình thức đề thi.

Đề thi đánh giá đúng chất lượng học sinh, từ đó giúp giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy và động viên học sinh nỗ lực phấn đấu đạt kết quả tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Hường (thực hiện)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/77063/no-luc-vuot-kho-dam-bao-chat-luong-giao-duc-trong-boi-canh-dich-covid-19.html