Nỗ lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội - Bài 1: Bức tranh nhiều 'gam màu' sáng
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Quảng Bình đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập kinh tế vùng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch trong các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, góp phần đưa Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/TU, ngày 9/12/2020 (Chương trình hành động số 02) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Xác định rõ tầm quan trọng của chương trình, UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2023, việc triển khai Chương trình hành động số 02 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi nền KT-XH chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và nước ta chuyển sang thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tinh thần nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh từng bước được đồng bộ, hoàn thiện.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều nguồn vốn đầu tư được huy động và lồng ghép để xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, trong đó tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng, như: Giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục…, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng đã góp phần lan tỏa, tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 là gần 63.500 tỷ đồng, đạt 47% mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, trong đó vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 là 15.743 tỷ đồng.
Để huy động được nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tỉnh hết sức quan tâm. Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, với chủ đề "Quảng Bình-Thích ứng-Đồng hành-Phát triển", tháng 3/2022, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đó, với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư", UBND tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại TP. Hà Nội.
Tỉnh cũng đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình, nhằm cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Nổi bật trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế thời gian qua, đó là bức tranh hạ tầng giao thông có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã đầu tư hệ thống Đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành liên quan triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình; dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh, nâng cấp, sửa chữa hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã...
Giám đốc Sở GTVT Phạm Văn Năm cho biết: Hạ tầng GTVT được đầu tư trong thời gian qua đã bảo đảm kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với các tỉnh lân cận, kết nối TP. Đồng Hới với các huyện, thị xã trong tỉnh và kết nối giữa các huyện, thị xã với nhau bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông thông suốt, an toàn.
Đặc biệt, để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch, đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ năm 2018 Bộ GTVT đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách Cảng hàng không (CHK) Đồng Hới đạt công suất 3 triệu hành khách/năm và các hạng mục kết cấu hạ tầng đồng bộ; mở rộng sân đỗ tàu bay đồng bộ với nhà ga.
"Tổng Công ty CHK Việt Nam đã nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nhà ga hành khách T2, CHK Đồng Hới lên công suất 3 triệu hành khách/năm; tổng vốn đầu tư khoảng 1.844 tỷ đồng. Hiện nay, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi tổng hợp tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư", ông Phạm Văn Năm cho biết.
Cùng với lĩnh vực GTVT, đối với hạ tầng cung cấp điện cũng có sự khởi sắc với các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời được triển khai. Cụm trang trại điện gió B&T đã được triển khai nhanh ngay trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát để kịp thời đưa vào khai thác. Mặt khác, tỉnh đã triển khai đầu tư công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện đang tập trung triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II theo Quy hoạch điện VIII.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Văn Minh cho biết: Hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư đã bảo đảm đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; chủ động phòng, tránh bão, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Được sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành và nỗ lực của tỉnh, một số đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn. Đặc biệt từ nguồn vốn hỗ trợ WB8, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa đã bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công xây dựng 15 đập, hồ chứa nước với tổng kinh phí gần 203 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Hệ thống thủy lợi Rào Nan được thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 12/2022", ông Mai Văn Minh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị và khu dân cư, hạ tầng cấp thoát nước, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch, hạ tầng thông tin truyền thông và các hạ tầng KT-XH khác, như: Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... cũng được tỉnh Quảng Bình huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại cho từng ngành, từng vùng, từng địa phương và trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh: Giai đoạn 2021-2023, việc triển khai Chương trình hành động số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi nền KT-XH chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, với tinh thần nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh từng bước được đồng bộ, hoàn thiện. Nhiều nguồn vốn đầu tư được huy động và lồng ghép để xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, trong đó tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… tạo điều kiện để tỉnh phát triển.
>>> Bài 2: Vượt khó để hoàn thành mục tiêu