Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo 30a

Có dịp về thăm xã NTM Xuân Cao (Thường Xuân), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, với hệ thống đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng, mái bằng, mái ngói mọc lên san sát. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

Diện mạo xã nông thôn mới Xuân Cao hôm nay.

Diện mạo xã nông thôn mới Xuân Cao hôm nay.

Chủ tịch UBND xã Xuân Cao, Lê Bá Tiến phấn khởi cho biết: Xã bước vào XDNTM với điều kiện hết sức khó khăn, nhất là các tiêu chí cần phải có vốn đầu tư và hỗ trợ Nhân dân trong việc thực hiện, như: Mở rộng đường giao thông nông thôn, xây mới, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa các thôn, đa dạng hóa ngành nghề, phân bố cơ cấu lao động, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp... Xã đã chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể tập trung tuyên truyền về các nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM và các phong trào thi đua đến với người dân. Ban chỉ đạo xã vận động các hộ dân chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan môi trường, vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc... để thực hiện các công trình trong XDNTM. Cùng với đó, xã tranh thủ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn hỗ trợ của Nhà nước để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như: Trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi lợn rừng, dê, hươu sao lấy nhung, ong mật... Bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và kết hợp sức dân, xã đã nhựa hóa, bê tông hóa được 47,2km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, lắp đặt đèn chiếu sáng phục vụ sản xuất, dân sinh; đầu tư nâng cấp, xây mới trường học, trạm y tế, công sở xã, nhà văn hóa thôn... Đến tháng 12/2024, xã Xuân Cao được công nhận đạt chuẩn NTM.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, Lê Hoàng Cường, cho biết: Là huyện nghèo 30a của cả nước, nên khi triển khai XDNTM, huyện tập trung xây dựng kế hoạch, rõ nội dung, mục tiêu và giao chỉ tiêu cho từng thôn, bản. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, kích cầu cho các thôn, bản về kinh phí, vật liệu để xây dựng các công trình giao thông. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nguời dân là “chìa khóa” để XDNTM, thông qua các nguồn vốn, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng. Xây dựng quy hoạch vùng huyện gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; các tiểu vùng trong quy hoạch đáp ứng phát triển kinh tế chủ đạo của tất cả các hình thái kinh tế, như: Sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn; phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa... Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nguời dân. Tính hết năm 2024, huyện Thường Xuân đã huy động trên 1.229 tỷ đồng XDNTM; đã có 7 xã về đích NTM, 1 xã đạt NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; 44 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 6 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu; có 14 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 - 4 sao. Huyện phấn đấu trong năm 2025, có thêm 1 xã, 3 thôn đạt chuẩn NTM.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-o-huyen-ngheo-30a-240455.htm