Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

Thanh Tuyền

BPO - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu xây dựng thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, sau đại hội, UBND tỉnh giao chỉ tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng 70% số trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Điều này đòi hỏi toàn ngành giáo dục, cả hệ thống chính trị huyện Lộc Ninh phải quyết liệt vào cuộc, cùng nhau nhận diện khó khăn để tích cực gỡ khó.

Nhận diện khó khăn

Huyện Lộc Ninh hiện có 46 trường học, để hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao thì đến năm 2025 phải có 32 trường đạt chuẩn quốc gia. Thời điểm năm 2020, toàn huyện mới chỉ có 7 trường đạt chuẩn, nhưng trong giai đoạn 2020-2025, cả 7 trường này đều phải thực hiện đánh giá ngoài theo Thông tư 17 và 18 của Bộ GD&ĐT để được công nhận đạt chuẩn giai đoạn tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc trong giai đoạn 2020-2025, huyện phải đầu tư xây dựng 32 trường đạt chuẩn.

Năm 2023, Trường mẫu giáo Lộc Hưng được xây dựng mới hướng tới đạt chuẩn quốc gia

Năm 2023, Trường mẫu giáo Lộc Hưng được xây dựng mới hướng tới đạt chuẩn quốc gia

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Ninh Phạm Như Công cho biết: Để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và UBND tỉnh giao, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện trình HĐND ban hành Nghị quyết số 84 Đề án phát triển giáo dục về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 213 để cụ thể hóa số lượng trường xây dựng đạt chuẩn của từng năm, tổng kinh phí đầu tư; đề ra giải pháp và phân công trách nhiệm cho từng phòng, ban, ngành liên quan.

Kế hoạch năm 2023, huyện sẽ đầu tư xây dựng 9 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 3 trường đầu tư công nhận lại. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm mới chỉ có Trường THCS Lộc Tấn đã được đánh giá ngoài, đang chờ quyết định công nhận; Trường mẫu giáo Tuổi Thơ, xã Lộc Khánh đang chờ Sở GD&ĐT đánh giá ngoài; 7 trường còn lại đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường mầm non Sao Mai đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

Đại diện Ban Giám hiệu Trường mầm non Sao Mai đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

Tính đến nay, huyện Lộc Ninh có 11/46 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 23,9% và 1 trường đang chờ quyết định công nhận. Như vậy, tiến độ thực hiện trong các năm 2021, 2022 có 5 trường đạt chuẩn đã đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện kế hoạch trong năm 2023 khó đạt vì đã quá nửa năm nhưng một số trường đang làm thủ tục đầu tư và chưa khởi công xây dựng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong các năm 2024, 2025 theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra sẽ khó khăn hơn do các trường còn lại cơ sở vật chất thiếu nhiều so với quy định; một số trường thiếu diện tích đất phải di dời sang địa điểm mới, nguồn vốn đầu tư lớn trong khi ngân sách huyện còn hạn chế; các thủ tục cấp đất, đầu tư... cần nhiều thời gian.

Từng bước tháo gỡ

Chuẩn bị năm học mới 2023-2024, huyện Lộc Ninh đã đầu tư xây dựng hơn 60 hạng mục công trình tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn. Trong đó, bao gồm các công trình chuyển tiếp và khởi công mới với 138 phòng học lầu, phòng chức năng, phòng hỗ trợ học tập và các hạng mục khác như: nhà tập đa năng, tường rào, sân trường, phòng hành chính - quản trị, phòng bộ môn, sân, thư viện, nhà để xe… với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

Trường THCS Lộc Tấn được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang để hướng tới trường chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Học sinh của trường tập thể dục giữa giờ

Để đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra từ nay đến năm 2025, Phòng GD&ĐT huyện đã đề xuất 7 giải pháp đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội; nhất là các phòng, ban, ngành liên quan tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung kế hoạch với lộ trình đã đề ra. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật.

Mặt khác, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các trường; nâng cấp cảnh quan, khuôn viên, đáp ứng tiêu chí theo chuẩn mới; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng và triển khai đề án trường học thông minh, quản lý trường học theo mô hình mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu hợp lý. Cần ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực quản lý, năng động, sáng tạo trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Trường tiểu học Lộc Thuận B đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2

Trường tiểu học Lộc Thuận B đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Lộc Ninh phấn đấu có 32 trường đạt chuẩn quốc gia, đó là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, huyện đã xác định những giải pháp cụ thể từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng theo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT ban hành.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/147453/no-luc-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia