Nô nức xem vua cày ruộng trong hội Tịch điền
Theo tích cũ, lễ Tịch điền có nguồn gốc từ xa xưa do vua Thần Nông - một vị vua huyền thoại được xem là thủy tổ của người Việt khai mở.
Là một trong những lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam, lễ hội Tịch điền diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng không chỉ khơi dậy tình yêu lao động, mà còn nhắc nhớ triết lý “dĩ nông vi bản”.
Phục dựng lễ hội cổ xưa
Diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) được phục dựng trên chính mảnh đất mà hơn ngàn năm trước, vua Lê Đại Hành đã đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích, nhắc nhở thần dân lấy nông nghiệp làm gốc.
Theo tích cũ, lễ Tịch điền có nguồn gốc từ xa xưa do vua Thần Nông - một vị vua huyền thoại được xem là thủy tổ của người Việt khai mở. Lễ Tịch điền về sau được người Việt thực hiện mang ý nghĩa tế Thành hoàng, Thần Nông, các thần mây, mưa, sấm, chớp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên còn được gọi là “Hạ điền cầu bông”.
Theo ông Ngô Văn Liên - Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên, tại địa phương lịch sử ghi lại rằng, mùa Xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế, những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền.
Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm lễ Tịch điền (vua xuống đồng cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày Tịch điền với các hình thức khác nhau. Đến triều nhà Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều quy định cụ thể và rõ ràng, được tổ chức quy mô do Lễ bộ chủ trì, tuy nhiên đến thời vua Khải Định thì lễ này chấm dứt.
Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục dựng một cách bài bản và duy trì đến nay. Qua 16 năm phục dựng và tổ chức lễ hội Tịch điền, đến nay việc tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp, trở thành một ngày hội lớn, ngày hội gắn chặt với văn minh nông nghiệp.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn hằng năm được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 7 tháng Giêng với đầy đủ nghi lễ và các hoạt động hội truyền thống. Các bước tiến hành và diễn trình nghi lễ của lễ hội do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng gồm 2 phần, phần lễ sẽ diễn ra các nghi thức: Lễ Cáo yết, lễ rước nước lên Đàn tế, lễ sái tịnh, lễ cầu an, lễ rước kiệu...
Phần hội sẽ có các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian, hội thi vẽ trang trí trâu cày, thi làm bánh giầy của các dòng họ làng Đọi Tam, hội thi cày giỏi, hoạt động trưng bày triển lãm các gian hàng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp…
Vào mùng 6 tháng Giêng tại cánh đồng Đọi Sơn, các chú trâu khỏe và đẹp được tuyển lựa kỹ lưỡng để họa sĩ trang trí các ý tưởng mỹ thuật. Trong số 20 con trâu được chọn để trang trí, chỉ lựa ra 5 con trâu khỏe và đẹp nhất để sang ngày mùng 7 sẽ thực hiện các nghi lễ của chính hội Tịch điền.
Tái hiện lịch sử trên thửa ruộng Kim Ngân
Ngay từ sáng sớm mùng 7, lễ rước linh vị vua Lê Đại Hành đã được tiến hành từ chùa Đọi xuống chân núi. Cùng lúc đó, nhân dân thôn Đọi Tam cũng tổ chức lễ rước kiệu Thành hoàng và tổ nghề trống hợp với đoàn rước linh vị vua Lê về đàn tế Thần Nông trên sân ruộng Tịch điền.
Lúc này, tất cả các đoàn rước quy tụ trong sự nô nức của khách thập phương. Tiếng trống hội vang lên hòa cùng các màn diễn đa sắc màu của nhân dân các thôn làng. Vào nghi lễ chính, một vị bô lão sẽ đọc văn trình tưởng nhớ công ơn vua Lê Đại Hành - người có công “phá Tống, bình Chiêm” giữ yên bờ cõi, chăm lo mở mang sản xuất nông nghiệp. Năm nay, nghệ nhân Phạm Chí Khang được chọn đại diện các bô lão đọc văn trình, nhắc nhớ lời dạy “dĩ nông vi bản”, lấy nông nghiệp làm gốc.
Lịch sử đã chứng minh nền nông nghiệp và người nông dân luôn có vị trí quan trọng trong hành trình phát triển của đất nước. Trong thời chiến, nông dân, nông nghiệp là hậu phương chi viện cho tiền tuyến. Thời bình, nông nghiệp được chăm lo phát triển, là lĩnh vực nuôi sống toàn dân, là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nước nhà.
Sau nghi lễ dâng hương lên đàn tế Thần Nông và linh vị vua Lê, các vị phúc thần, một vị bô lão đã thực hiện nghi lễ nhập linh khí quân vương bước xuống đi những sá cày đầu tiên mở hội Tịch điền trên cánh đồng Kim Ngân để mở đầu cho một năm sản xuất mới.
Năm nay, người vào vai vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng là ông Nguyễn Ngọc An (75 tuổi). Những sá cày của “vua” năm nay được đánh giá là thẳng, đều báo hiệu cho một mùa vụ mới dồi dào bội thu. Đi sau “vua” là hai vị “quan” mặc áo the, khăn xếp phụ tá. Tiếp đến là nam thanh nữ tú với những giỏ hạt giống vãi xuống sá cày.
Ông Nguyễn Ngọc An cho biết, đây là lần thứ 6 ông được vinh dự vào “vai” vua Lê xuống đồng cày ruộng. Ông còn nhớ như in lần đầu tiên được chọn là vào mùa lễ hội năm 2019, khi ấy ông lo lắng đến mất ngủ. Tuy nhiên, sau khi mặc long bào, đeo mặt nạ, thực hiện nghi lễ nhập linh khí quân vương thì ông bình tĩnh lại và thực hiện thành công 3 sá cày mở màn cho hội Tịch điền.
Đến với lễ hội Tịch điền, nhiều du khách là những người trẻ tuổi được thấy cảnh vua cày ruộng, đọc được những dòng sử, thấy rõ những dấu tích “trọng nông” trên thửa ruộng Kim Ngân Điền, mới hiểu hết giá trị “dĩ nông vi bản”. Tại đây, không chỉ lịch sử được tái hiện, giá trị truyền thống được lan tỏa mà tình yêu với lao động cũng được bồi đắp qua những thớ đất của sá cày.
Theo nghệ nhân Phạm Chí Khang - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh trống Đọi Tam, mùa Xuân năm 987 được tin vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền ở Đọi Sơn, hai anh em cụ Nguyễn Năng đã làm một chiếc trống to để dâng vua. Nhà vua đánh 3 hồi 9 tiếng, tiếng trống rền vang như tiếng sấm nên đời sau suy tôn cụ là Trạng Sấm, cũng là tổ nghề - Thành hoàng làng. Hiện nay, lăng Trạng Sấm được thờ dưới chân núi Đọi. Vào ngày mùng 5 tháng Giêng khai hội Tịch điền, mọi người về đây làm lễ Cáo yết, xin phép Thành hoàng mở hội và sáng mùng 7 rước kiệu từ đình Đọi Tam đến nơi cày Tịch điền.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-nuc-xem-vua-cay-ruong-trong-hoi-tich-dien-post718237.html