Nở rộ các dịch vụ 'ăn theo' mùa lễ hội đầu năm

Như thường lệ, vào dịp đầu xuân năm mới, nhu cầu đi du xuân, lễ hội, vãng cảnh đền, chùa của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm 'ăn nên làm ra' của nhiều loại hình dịch vụ, như: trông giữ xe, sắp đồ lễ, viết sớ thuê, bán đồ lưu niệm, kinh doanh hoa tươi, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Như thường lệ, vào dịp đầu xuân năm mới, nhu cầu đi du xuân, lễ hội, vãng cảnh đền, chùa của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm “ăn nên làm ra” của nhiều loại hình dịch vụ, như: trông giữ xe, sắp đồ lễ, viết sớ thuê, bán đồ lưu niệm, kinh doanh hoa tươi, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Du lịch của Hà Nam đang ngày càng phát triển với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, như: chùa Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, Bát Cảnh Sơn, chùa Bà Đanh (Kim Bảng); đền Trần Thương (Lý Nhân); đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên) và hệ thống lễ hội tiêu biểu đầu xuân, như Lễ hội Tịch điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương... Trong những ngày đầu năm mới, mỗi ngày tỉnh Hà Nam đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh tham quan, vãng cảnh các điểm du lịch trong tỉnh, người dân Hà Nam cũng có thói quen đi du xuân, vãng cảnh chùa tại các địa phương khác trên cả nước. Theo đó, dịch vụ du lịch, lữ hành, vận chuyển hành khách phát triển mạnh trong dịp đầu năm mới.

Anh Lại Văn Đạt, Tổ 6, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) – người có thâm niên hơn chục năm làm nghề lái ta-xi cho biết: Hằng năm, lượng khách gọi xe đông nhất là vào dịp đầu năm mới và những ngày cận Tết Nguyên đán. So với những tháng khác trong năm, doanh thu trong tháng giáp Tết và tháng 1 âm lịch tăng gấp 2-3 lần. Đối tượng khách hàng chủ yếu là các gia đình, nhóm bạn rủ nhau đi lễ chùa, vãng cảnh đầu năm tại các danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước, như: chùa Tam Chúc (Hà Nam); chùa Bái Đính (Ninh Bình); chùa Hương (Hà Nội); chùa Yên Tử, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh); đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); đền Chúa Thác Bờ (Hòa Bình)… Có những hôm tôi chở khách đi vãng cảnh, lễ chùa tại nhiều điểm ở miền Bắc, kéo dài từ 3-5 ngày. Ngoài giá dịch vụ ta-xi, chở khách đi du xuân, lễ hội trong dịp đầu năm mới, tôi còn được khách hàng lì xì thêm cho mỗi chuyến đi xa nên thu nhập từ nghề lái ta-xi trong những ngày đầu năm tương đối khá.

Đi du xuân, vãng cảnh đầu năm, khách du lịch đến Hà Nam có dịp được thưởng thức các món ăn đặc sản, mang đặc trưng của địa phương, như bánh cuốn chả, bánh đa cá rô, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu… Nằm trên địa bàn TP Phủ Lý, các quán ăn nổi tiếng, các cửa hàng kinh doanh bánh cuốn chả, bánh đa cá rô cũng được dịp “ăn nên làm ra” trong mùa lễ hội đầu năm.

Chị Phạm Thị Đua, chủ cửa hàng bánh cuốn chả Minh Đình trên Đường Trần Phú (TP Phủ Lý) chia sẻ: Trước đây, cửa hàng chỉ bán bánh cuốn phục vụ khách hàng vào buổi sáng. Thế nhưng những năm gần đây, tôi đã mở bán hàng cả ngày, nhất là trong dịp đầu năm do khách thập phương đến tham quan các điểm du lịch của Hà Nam trong những ngày này tăng cao. Dịp đầu năm, khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình… đến tham quan chùa Tam Chúc thường đi qua Phủ Lý và vào quán ăn bánh cuốn chả, bánh đa cá rô và mua những món ăn đặc sản của Hà Nam, Nam Định về làm quà, như: kẹo sìu trâu, bánh nhãn (Nam Định); bánh đa Kiện Khê, chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam)… Vào những ngày cuối tuần, cửa hàng của gia đình tôi lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi.

Du khách chọn mua quà tại cửa hàng bánh cuốn chả Minh Đình, Đường Trần Phú, TP. Phủ Lý.

Du khách chọn mua quà tại cửa hàng bánh cuốn chả Minh Đình, Đường Trần Phú, TP. Phủ Lý.

Đời sống ngày càng phát triển, việc đi du xuân, lễ hội, vãng cảnh đền, chùa dịp đầu năm mới đã và đang trở thành thói quen của nhiều người, nhiều gia đình. Kéo theo đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, trông giữ xe, viết sớ, sắp lễ thuê cũng ngày càng phát triển, nhất là quanh các điểm, khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Chẳng hạn như tại khu vực đền Lảnh Giang (thị xã Duy Tiên), mặc dù không phải là mùa lễ hội chính, nhưng ngay từ mồng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khách du lịch đã đến rất đông để tham quan, dâng lễ, cầu sức khỏe và bình an trong năm mới. Để phục vụ du khách, quanh khu vực đền đã phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Nga, quê ở xã Thụy Lôi (Kim Bảng) hằng năm đều đi lễ, vãng cảnh tại đền Lảnh Giang dịp đầu xuân cho hay: Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm mới, tôi và người thân đều đi lễ đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn và đền Trần. Nhiều năm trước tôi thường hay chuẩn bị hoa, quả tươi và đồ lễ từ nhà mang đi, nhưng những năm gần đây, các loại hàng hóa, dịch vụ tại đền đều sẵn có nên rất thuận tiện, giá cả cũng phải chăng. Hơn nữa, khi mua đồ lễ còn được người bán tư vấn, chọn đồ và sắp đồ lễ nên tôi thấy rất yên tâm.

Qua tìm hiểu cho thấy, tại khu vực đền Lảnh Giang có nhiều hộ dân đầu tư kinh doanh nhà nghỉ kết hợp cửa hàng ăn uống. Ngoài ra, còn có nhiều điểm bán hoa tươi, đồ lễ, đồ lưu niệm, đồ ăn nhanh. Tận dụng lợi thế sống ở xung quanh khu vực đền, các hộ dân còn nhận dịch vụ trông giữ xe và cho khách thuê mượn mâm, đĩa để đặt đồ lễ. Ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam) cho biết: Vào những ngày đầu năm mới hay mùa lễ hội, du khách thập phương đến đền lễ và vãng cảnh rất đông. Vì vậy, nhu cầu gửi xe máy, xe đạp điện tăng cao. Tận dụng diện tích sân, vườn nhà rộng, tôi nhận trông xe thuê cho khách đến lễ đền. Giá trông giữ xe chủ yếu do khách chủ động gửi trả, bình quân từ 3 – 5 nghìn đồng/xe. Ngoài trả tiền gửi xe, nhiều khách hàng còn mừng tuổi đầu năm cho tôi. Những hôm khách gửi xe đông, tôi cũng thu được 200-300 nghìn đồng/ngày.

So với các địa phương khác trên cả nước, Hà Nam không có quá nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng, nhưng khi đến Hà Nam, đa phần du khách đều cảm thấy thoải mái, tiện lợi với các loại hình dịch vụ, nhất là tại các khu vực lễ hội đầu năm. Mặc dù các dịch vụ đều rất phát triển, nhưng với việc siết chặt quản lý của ban quản lý các di tích, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, tại các điểm du lịch, lễ hội xuân của Hà Nam không để xảy ra tình trạng trèo kéo hay “chặt chém” khách bằng hình thức nâng giá dịch vụ lên cao, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến văn hóa, văn minh lễ hội. Hàng quán, gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ được bố trí, sắp xếp theo từng khu vực một cách hợp lý, tạo thuận lợi nhất cho du khách tham quan, mua sắm, sử dụng dịch vụ. Qua đó, không chỉ tạo sự văn minh, trang trọng cho các lễ hội, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển thương mại, dịch vụ tại các địa phương trong tỉnh.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/no-ro-cac-dich-vu-an-theo-mua-le-hoi-dau-nam-94748.html