Nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tổng số nợ thuế nội địa đến 31/5/2021 ước khoảng 120,46 nghìn tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2020; trong đó nợ thuế có khả năng thu là 63,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm 2020.
Thu ngân sách 6 tháng đạt 55,5% dự toán
Sáng 15/6, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5, 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Theo đó, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân và bước đầu tác động đến thu, chi NSNN.
Thu NSNN tháng 5 đạt 98,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 48,8% dự toán, tăng 14,2%; thu từ dầu thô đạt 68,8%, giảm 18,4%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 55,2% dự toán, tăng 30,1% so cùng kỳ năm 2020.
Thực hiện chi NSNN tháng 5 đạt 125,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 34,5% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 21,4%, chi trả nợ lãi đạt 43,4%, chi thường xuyên đạt 41,6%. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 5 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi).
Về dự báo thực hiện NSNN 6 tháng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thu nội địa ước đạt 53,5% dự toán, tăng 8,4%; thu từ dầu thô ước đạt 83,9%, giảm 8,8%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 66,1% dự toán, tăng 30,7% so cùng kỳ năm 2020.
Chi NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt 43% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 34,1%, chi trả nợ lãi ước đạt 51,6%, chi thường xuyên ước đạt 48,5%. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó, vốn ngoài nước ước đạt xấp xỉ 18,4%, vốn trong ước đạt 37,5%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong những tháng đầu năm điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19 như cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021.
Kết quả thực hiện 5 tháng đã gia hạn 21 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã chủ động đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như đảm bảo điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tính cả năm 2020, NSNN đã chi 21,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Ngoài ra, NSTW đã dành trên 14,5 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin phòng Covid-19. Việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động nguồn đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, để cùng với NSNN đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm chủng vắc xin cho người dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, dù tổng thể tiến độ thu NSNN đạt khá, song một số khoản thu đạt thấp, trong đó thu ngân sách từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn. Số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tổng số nợ thuế nội địa đến 31/5/2021 ước khoảng 120,46 nghìn tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2020; trong đó nợ thuế có khả năng thu là 63,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm 2020. Có tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng.
Công tác triển khai phân bổ ngân sách, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (5 tháng mới đạt 2,97% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự toán kinh phí năm 2021 đã bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chính sách thuộc 21 chương trình mục tiêu giai đoạn trước đến nay cơ bản chưa thực hiện.
Chuyển nguồn 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đời sống của một bộ phần người dân gặp khó khăn. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi NSNN trong thời gian tới.
Chính phủ xác định giải pháp cho những tháng cuối năm là tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước mua vắc-xin và cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh.
Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án về tài chính-NSNN theo chương trình và yêu cầu thực tế như Đề án phân cấp ngân sách đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và phát huy tính chủ động của ngân sách địa phương; Đề án nghiên cứu sửa các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,...
Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý thu. Tiếp tục thực hiện miễn, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021.
Bốn là, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, kiểm tra chuyên ngành, quản lý hóa đơn điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Tại phiên họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19; chuyển nguồn 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021. Thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để đảm bảo các nhiệm vụ theo phân cấp, đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn. Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn, thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện NSNN 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã nhận thấy công tác đánh giá, dự báo kết quả thu NSNN còn chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 chưa sát với thực tế.
Thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN đạt kết quả rất thấp. Đây là vấn đề đã kéo dài 4-5 năm qua nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Trung ương.
Tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao. Đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chống tình trạng chuyển giá. Đồng thời, sớm có biện pháp để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài; hướng dẫn kịp thời để tháo gỡ khó khăn về chính sách hoàn thuế cho các dự án đầu tư mới và tiền nộp thuế đối với các dự án sử dụng vốn ODA...
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, tiến độ tiêm vắc-xin hiện nay còn chậm và khả năng đạt mức miễn dịch cộng đồng còn khá xa. Do đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, bổ sung các số liệu ước thực hiện của cả năm và có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu NSNN, mức trần nợ công, từ đó có biện pháp điều hành thu - chi NSNN kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/no-thue-cua-doanh-nghiep-co-xu-huong-tang-d21928.html