Nợ xấu của Agribank giảm cả về tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối
Xử lý và thu hồi nợ là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, phấn đấu Agribank không còn chi nhánh nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho thấy chất lượng tín dụng của Agribank ngày càng đảm bảo. Tính tới 31/12/2024, quy mô nợ xấu của Agribank là 29.007 tỷ đồng, tỷ lệ 1,68%. So với năm trước, nợ xấu của Agribank giảm cả về tuyệt đối (giảm 425 tỷ đồng) lẫn tỷ lệ tương đối (năm 2023 nợ xấu của Agribank là 1,89%).
Đáng chú ý, năm 2024, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 của Agribank đều giảm mạnh (nợ xấu nhóm 3 giảm 44,1%; nợ xấu nhóm 4 giảm 30,4%). Riêng nợ xấu nhóm 5 của Agribank năm 2024 tăng 16,2% (tăng 3.163 tỷ đồng), chủ yếu là do chuyển nhóm nợ. Việc Agribank tăng nợ xấu nhóm 5 nằm trong xu hướng chung của hệ thống ngân hàng.
Do tích cực trích lập dự phòng rủi ro, đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đạt 132%, tăng nhẹ so với mức 129% cuối năm 2023.
Bên cạnh nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Điều hành Agribank sát sao chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực tài chính.

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý nợ có vấn đề Trụ sở chính.
Theo Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, xử lý và thu hồi nợ là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, bắt buộc phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, phấn đấu đến thời điểm 31/12/2025. Bằng các giải pháp đồng bộ, Agribank phấn đấu không còn chi nhánh nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.
Theo đó, Agribank ưu tiên dành nguồn lực để hỗ trợ các chi nhánh xử lý dứt điểm, đảm bảo thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Các chi nhánh phải tập trung kiểm soát nợ tiềm ẩn, không để nợ xấu phát sinh, khẩn trương thu hồi ngay các khoản nợ xấu, nợ đã XLRR đã phát sinh.
Một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xử lý nợ năm 2025 là xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã XLRR của toàn hệ thống, trong đó chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ để thu hồi nợ, có phương án trích lập dự phòng, xử lý rủi ro phù hợp. Phương án xử lý nợ có vấn đề được xây dựng và thực hiện theo tháng/quý/năm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm, không đợi kết quả cuối năm.
Cùng với đó, Agribank thành lập các Tổ chuyên trách để xử lý nợ đối với các chi nhánh nợ xấu phát sinh cao, nợ XLRR lớn, chất lượng tín dụng còn nhiều hạn chế nhưng kết quả triển khai xử lý, thu hồi nợ chậm, không hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung thường xuyên rà soát, đánh giá các khoản cấp tín dụng có vấn đề để đưa ra phương án, biện pháp xử lý nợ phù hợp.
Triển khai hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ sẽ đóng góp trực tiếp vào kết quả hoạt động kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của Agribank, cùng toàn ngành ngân hàng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, thiết thực cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng 8% trở lên.
Đồng chí Phạm Toàn Vượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý nợ có vấn đề Trụ sở chính