Kỳ 3: Tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng
Để duy trì sự cân bằng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, hạn chế thiên tai và thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo, định hướng và tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, giao khoán bảo vệ rừng ở Bắc Kạn đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả. Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đã nâng cao nhận thức, ý thức và tích cực tham gia hoạt động bảo vệ rừng. Nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn đang được nâng cao chất lượng.

Lực lượng kiểm lâm chú trọng việc quản lý, bảo vệ rừng bằng công nghệ mới.
Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất trong cả nước với 73,28%. Công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng quan tâm. Các chính sách hỗ trợ được chỉ đạo thực hiện tốt, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Bảo vệ rừng gỗ lớn để phát huy giá trị rừng về nhiều mặt.
Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, qua từng năm diện tích giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đều tăng. Đến năm 2024 toàn tỉnh giao khoán bảo vệ rừng được hơn 138.155ha cho 744 cộng đồng thôn, bản và 12.884 hộ gia đình.

Thường xuyên tuần tra rừng nhằm phát hiện các trường hợp xâm phạm rừng để ngăn chặn kịp thời.
Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình hơn 71.236ha/59 cộng đồng và 12.865 hộ gia đình. Trên 28.000ha rừng đặc dụng đã được các Ban quản lý rừng thực hiện bảo vệ tốt theo phương án quản lý rừng đã được phê duyệt, trong đó hằng năm đã ưu tiên giao khoán cho cộng đồng dân cư địa phương thực hiện bảo vệ rừng. Kết quả giải ngân chi trả cho giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2024 là 124 tỷ 750 triệu đồng (trung bình hằng năm khoảng 31.187 triệu đồng).
Hướng tới thích ứng và đạt các tiêu chuẩn quốc tế
Theo ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh: Với tiềm năng về diện tích rừng tự nhiên hiện có, thời gian tới ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các huyện, thành phố triển khai đầy đủ các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo các chương trình, dự án của nhà nước đến với người dân, chủ rừng trên địa bàn, đặc biệt là Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Thực hiện hiệu quả Dự án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1022/QĐ-UBND ngày 09/6/2022; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025…
Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong thời gian tới.
Tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ phát triển rừng, đồng thời định hướng trong giai đoạn tới cần tập trung đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây đa dụng có giá trị kinh tế cao, trồng dược liệu dưới tán rừng... góp phần phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến tiêu thụ nhằm tạo sinh kế, ổn định cuộc sống nâng cao thu nhập cho người dân từ rừng.
Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên danh, liên kết với các chủ rừng từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc rừng trồng, khai thác, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Từng bước nâng cao chất lượng rừng để hướng tới đạt được các tiêu chuẩn FSC (Tiêu chuẩn phổ biến nhất cho việc quản lý rừng bền vững trên toàn cầu).
Ông Đồng Lâm Thành, Chủ tịch UBND xã Phương Viên cho biết về giải pháp bảo vệ rừng đầu nguồn sông Cầu trong thời gian tới.
Nhằm thu hút, thúc đẩy các nguồn lực của tỉnh, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, quốc tế để hỗ trợ tỉnh tham gia thị trường các-bon, hiện nay, UBND nhân dân tỉnh đã đồng ý chủ trương cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện khảo sát, đánh giá diện tích rừng trồng trên địa bàn để lập hồ sơ quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn với tổng diện tích dự kiến khoảng 13.000ha (Công ty cổ phần Bình Minh HP cấp 4.000ha cây keo tại huyện Chợ Mới; Công ty TNHH Kẻ gỗ cấp 3.000ha cây mỡ tại huyện Chợ Đồn; Hợp tác xã An Thành cấp 6.000ha cây keo, mỡ, bạch đàn tại huyện Chợ Mới).
Giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Rừng không chỉ là tài nguyên quý giá mà còn đóng vai trò thiết yếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay rừng vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như chặt phá trái phép, cháy rừng, suy thoái đất... Do đó, việc đề ra các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Do vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường): Để dòng sông Cầu và nhiều con sông, suối khác ở Bắc Kạn nâng cao, duy trì được lưu lượng nước thì việc bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững là một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay. Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền của tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến lâm nghiệp, tăng cường chế tài xử lý vi phạm. Ứng dụng công nghệ như ảnh viễn thám, GPS, camera giám sát... để theo dõi diễn biến rừng, diễn biến nguồn nước. Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở trong kiểm tra, xử lý các hành vi xâm hại rừng, xâm hại đến tài nguyên nước và môi trường.
Mặt khác, cần tăng cường phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực và các bộ ngành, địa phương, các tổ chức xã hội để huy động sức mạnh tổng hợp. Kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính trong lĩnh vực lâm nghiệp bền vững. Tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền về giá trị của rừng và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng. Mở rộng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và khoán bảo vệ rừng để tăng thu nhập cho người bảo vệ rừng. Tăng cường giám sát và minh bạch việc chi trả để chính sách thực sự hiệu quả và công bằng, góp phần thúc đẩy kinh tế và chất lượng cuộc sống của những người bảo vệ rừng./. (Hết)