Nợ xấu ngân hàng sẽ diễn biến ra sao trong 2025?
Chuyên gia Lê Đức Huy từ Chứng khoán Agriseco kỳ vọng nợ xấu ngân hàng bao gồm cả nợ nhóm 5 có thể tiếp tục tăng trong năm 2025 do một số yếu tố như sự phục hồi phân hóa trên thị trường bất động sản và xu hướng tái cơ cấu nợ khi Thông tư 02 hết hiệu lực.

Ảnh minh họa.
Trong một báo cáo gần đây, FiinRatings nhận định chất lượng tài sản của các ngân hàng đang chịu áp lực lớn, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng nợ xấu (bao gồm cả nợ nhóm 3 - 5 và nợ xấu chuyển giao cho VAMC) luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trong suốt giai đoạn 2022-2024.
Báo cáo tài chính 2024 cho thấy một số ngân hàng ghi nhận dư nợ xấu tăng đáng kể như Bac A Bank (48,36%), ACB (46,9%), LPBank (40,9%), OCB (38,5%)... Một số ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cao hơn trung bình ngành như NCB (tỷ lệ nợ xấu 19,54%), VPBank (4,2%), VIB (3,51%)...
Theo số liệu thống kê từ WiChart, tính đến cuối năm 2024, nợ xấu toàn ngành tăng 17% về quy mô. Riêng nợ nhóm 5 của 27 ngân hàng thương mại đạt hơn 131.000 tỷ đồng, tăng khoảng 43% so với cuối năm 2023.
Ông Lê Đức Huy, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường tại Chứng khoán Agriseco nhận định trong bối cảnh chất lượng tài sản ngân hàng có xu hướng cải thiện về cuối năm, việc nợ nhóm 5 có xu hướng dềnh lên là một diễn biến đáng chú ý.
Điều này trước hết thể hiện sự phân hóa giữa các nhóm khách hàng vay: một số nhóm doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang gặp khó khăn trong việc phục hồi sau giai đoạn kinh tế suy giảm dẫn đến mất khả năng trả nợ, đặc biệt là các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn từ chu kỳ kinh tế như là bất động sản hay một số ngành sản xuất xuất khẩu.
Bên cạnh đó là áp lực từ các khoản nợ đã cơ cấu. Nhiều khách hàng đã tiến hành cơ cấu lại các khoản vay theo Thông tư 02 thì nhưng một phần trong số đó có thể đã chuyển thành nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5.
Ngoài ra, diễn biến của nợ nhóm 5 cũng thể hiện xu hướng kiểm soát tín dụng có phần chặt chẽ hơn: một số ngân hàng có thể đang trích lập phòng mạnh tay để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến việc ghi nhận nhiều khoản nợ nhóm 5 hơn thay vì giữ lại cho các nhóm nợ thấp hơn.
Ngân hàng nỗ lực kiểm soát nợ xấu
Trước những diễn biến phân hóa về chất lượng tài sản tại các ngân hàng, nhiều ngân hàng trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông 2025 đã khẳng định cam kết kiểm soát nợ xấu dưới 3% hoặc 2,5% trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức. Đáng chú ý, một số ngân hàng hướng tới kiểm soát nợ xấu dưới 2%, như ACB và PGBank… hay dưới 1,5% như Bac A Bank... Hầu hết các ngân hàng đều hướng đến việc giảm tỷ lệ nợ xấu so với năm 2024 bằng cách tăng cường giám sát chất lượng tín dụng và quản lý rủi ro chặt chẽ hơn.
Tại một số ngân hàng đã họp đại hội cổ đông thường niên 2025, quyết tâm kiểm soát nợ xấu được lãnh đạo ngân hàng thể hiện rất rõ qua các phát biểu trước cổ đông.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của NCB, Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương nhấn mạnh chất lượng tín dụng ngân hàng đang có sự cải thiện đáng kể, nợ xấu phát sinh từ các khoản vay mới giải ngân chỉ chiếm 0,83% tổng danh mục nợ xấu hiện tại. Theo lãnh đạo ngân hàng, trong 3 năm gần nhất, tỷ lệ nợ xấu của các khoản giải ngân mới tại NCB đều dưới 1%.
Còn tại ĐHĐCĐ của VIB, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ khẳng định quản trị rủi ro tín dụng luôn được VIB đặt ngang hàng với 2 yếu tố quan trọng khác là tăng trưởng và hiệu suất. Tuy nhiên, việc không tham gia tái cơ cấu nợ khiến ngân hàng này đối diện nhiều thách thức hơn, bởi các khoản nợ xấu tại đây phản ánh chính xác chất lượng tín dụng thực tế.
“Theo quy định, VIB thực hiện trích lập dự phòng 100% đối với nợ xấu có tài sản động sản, trong khi với bất động sản, việc trích lập được thực hiện sau 2 năm. Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức hơn 2%, phản ánh sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ”, ông Vỹ cho hay. Lãnh đạo VIB kỳ vọng việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ sớm được thông qua đem lại lợi ích lớn cho ngành ngân hàng, giúp thu hồi nợ được nhanh hơn và tác động tích cực tới kết quả kinh doanh.
Nợ xấu ngân hàng có thể nhích nhẹ trong 2025
Từ góc nhìn phân tích, chuyên gia Lê Đức Huy từ Chứng khoán Agriseco kỳ vọng nợ xấu ngân hàng bao gồm cả nợ nhóm 5 có thể tiếp tục tăng trong năm 2025 do một số yếu tố.

Ông Lê Đức Huy, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường tại Chứng khoán Agriseco. Ảnh: NVCC
Thứ nhất là tác động từ thị trường bất động sản. Theo chuyên gia, dấu hiệu phục hồi trên thị trường bất động sản vẫn còn phân hóa, đà phục hồi chủ yếu đến từ các phân khúc có nhu cầu thực, chung cư hay nhà phố. Một số phân khúc khác như đất nền hay bất động sản nghỉ dưỡng vẫn gặp khó khăn. Do vậy không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng ghi nhận tình hình tài chính khởi sắc, điều này ảnh hưởng đến dòng vốn cũng như tình hình thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Thứ hai là xu hướng tái cơ cấu nợ. Các khoản nợ được tái cơ cấu trong năm 2023 và 2024 theo Thông tư 02 có thể sẽ hết thời gian được gia hạn, một phần trong số đó có thể nguy cơ chuyển thành nợ xấu.
Về mặt tích cực, với định hướng của Chính phủ và NHNN nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp, kích thích tăng trưởng tín dụng; điều này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp về dòng tiền tất toán và khả năng xoay vòng vốn, ông Huy cho hay.
Trong một báo cáo gần đây, FiinRatings cũng dự báo trong năm 2025, các ngân hàng, gồm cả ngân hàng nhỏ, một số ngân hàng tư nhân lớn có tỷ lệ nợ xấu và nợ có vấn đề cũng như tỷ lệ nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023 của NHNN cao hơn mức trung bình ngành sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản.
Chung góc nhìn này, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nợ xấu có thể tăng nhẹ trong năm 2025 sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 còn khoảng 126.000 tỷ đồng. VDSC ước tính nợ xấu tiềm ẩn (bao gồm nợ tái cơ cấu, nợ VAMC chưa xử lý, trái phiếu doanh nghiệp đã gia hạn) cuối quý III/2024 xấp xỉ khoảng 70% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống và lo ngại rằng một phần dư nợ này có thể chuyển thành nợ xấu trong năm 2025.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN mới đây, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ nợ nợ xấu trong quý I có chiều hướng giảm và kỳ vọng giảm mạnh hơn trong quý II/2025. Tuy nhiên, mặt bằng rủi ro tổng thể của nhóm khách hàng được kỳ vọng vẫn "tăng nhẹ" trong quý I và dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý II.
Nhìn chung, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong năm 2025, tuy nhiên tốc độ tăng chậm lại hơn nhiều so với năm 2024 và kỳ vọng xu hướng giảm dần rủi ro trong năm 2026.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/no-xau-ngan-hang-se-dien-bien-ra-sao-trong-2025.html