Nợ xấu sẽ 'giảm nhiệt' trong năm 2025?
Dự báo nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong năm 2025, 'điểm nghẽn' của các dự án bất động sản được tháo gỡ hoàn toàn trong vài năm tới..., sẽ là cơ sở để nhiều ngân hàng đưa chất lượng tài sản đang ở mức nợ xấu quay trở lại nhóm chất lượng tài sản tốt như giai đoạn trước.
Nợ xấu ngân hàng được đánh giá là đang tăng nhanh. Chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng vẫn gặp vướng trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo làm ảnh hưởng đến quá trình khắc phục nợ xấu.
Dấu hiệu đã tạo đỉnh
Kết thúc quý III, MB ghi nhận tình trạng nợ xấu tăng 42% so với quý trước và cùng kỳ, đặc biệt nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng lần lượt 65% và 59% so với quý II/2024.
MB cho biết, nợ xấu gia tăng trong quý vừa qua do nhiều khách hàng, bao gồm cả khách hàng mới, gặp những khó khăn tài chính tạm thời dẫn đến việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ nợ.
Theo đánh giá của Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), mặc dù nợ xấu tăng mạnh nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III/2024 của MB lại giảm 18% so với quý II/2024, kéo theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong kỳ giảm mạnh từ 102% về 69%.
Điều này có thể cho thấy MB đánh giá sự chậm thanh toán khoản vay của các khách hàng chỉ là yếu tố tạm thời, dự kiến sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong quý tới. Dù vậy, KBSV nhận định áp lực trong ngắn hạn lên chất lượng tài sản của MB vẫn còn tương đối lớn.
Không chỉ MB, nợ xấu tại nhiều nhà băng khác cũng tăng mạnh trong quý III. Như tại ACB, tổng nợ xấu đã tăng lên 8.274 tỷ đồng vào cuối quý III. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay theo đó tăng từ mức 1,22% hồi đầu năm lên 1,5% vào cuối tháng 9.
Với SaigonBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 ở mức 2,2%...
Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ ở mức 6,5-7% và phấn đấu 7-7,5%. Bên cạnh đó, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án bất động sản, điều này sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi chất lượng tài sản của các nhà băng.
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa đưa ra nhận định toàn cảnh bức tranh ngành ngân hàng năm 2025 với nhiều điểm sáng như nợ xấu đã đạt đỉnh và dự báo giảm vào năm sau.
Cụ thể, nợ xấu mặc dù vẫn tăng nhẹ trong 2 quý liên tiếp, nhưng có dấu hiệu cho thấy dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025. Tỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong quý III/2024, thấp hơn trung bình lịch sử là gần 0,5%/quý.
Trong đó, nợ nhóm 2 (chỉ báo sớm của nợ xấu) giảm 8 điểm cơ bản trong quý III/2024 và duy trì xu hướng giảm 2 quý liên tiếp nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 0,8%. Số ngày thu lãi bình quân, cũng có chuyển biến tích cực cho thấy nợ tiềm ẩn xấu nhìn chung đang được kiểm soát.
"Nhìn chung, thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao", báo cáo cho hay.
Khơi thông những "điểm nghẽn" trong xử lý nợ
Mặc dù các chuyên gia nhận định tỷ lệ nợ xấu trong năm 2025 sẽ giảm, nhưng việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, quá trình thu hồi nợ cho thấy, một khách hàng không chỉ vay một tổ chức tín dụng (TCTD), mà vay ở nhiều TCTD dẫn đến nợ xấu liên thông. Do vậy, cần tìm giải pháp xử lý để thu hồi nợ hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA đánh giá việc xử lý nợ hiện nay hết sức khó khăn, nhiều trường hợp đưa ra tòa án đến cấp phúc thẩm mà vẫn không đạt hiệu quả, dẫn đến việc xử lý ngày càng phức tạp, không triệt để. Trong khi đó, ngân hàng vẫn thường xuyên tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.
Bởi vậy, nếu xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khách hàng chây ì, cố tình không trả nợ, ngân hàng cần có giải pháp xử lý quyết liệt.
“Cần có thái độ kiên quyết, quyết liệt đối với các đối tượng chây ì, cố tình không trả nợ, trường hợp cần thiết có thể đề nghị triển khai xử lý theo pháp luật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo “Dàn xếp tái cấu trúc nợ ngoài tòa – thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn” được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị giải pháp triển khai nghiệp vụ xử lý nợ ngoài tòa.
Bà Nina Pavlova Mocheva, chuyên gia tài chính cao cấp của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, để tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ, cần có quyết định cho phép thực hiện tái cấu trúc nợ ngoài tòa.
Đồng tình, chuyên gia IFC cũng cho rằng, các ngân hàng Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét và đánh giá quá trình trước khi áp dụng để điều chỉnh các công cụ cho phù hợp và khắc phục những khó khăn trong hoạt động dàn xếp xử lý nợ ngoài tòa.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng xử lý nợ ngoài tòa không chỉ giúp ngân hàng xử lý được nợ xấu mà còn "giải cứu" vấn đề nợ cho các doanh nghiệp. "Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp, giúp phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp khỏi tình trạng phá sản. Doanh nghiệp còn, ngân hàng tránh được tổn thất”, ông Nguyễn Hồng Quân, thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích.
Bên cạnh giải pháp trên, ông Hùng đề xuất Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/no-xau-se-giam-nhiet-trong-nam-2025-1104239.html