Nợ xấu tăng nóng, khả năng 'phòng thủ' của ngân hàng đang sụt giảm?
Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%. Ngay cả với một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều ở cả 3 nhóm, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây.
Trong quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 vọt tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2024. Tỷ lệ nợ xấu trung bình cả hệ thống ngân hàng thương mại là 2,18%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Nợ xấu tăng nhanh
Bức tranh kinh doanh quý đầu năm của ngành ngân hàng đã lộ diện. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng nhiều nhà băng vẫn có tăng trưởng lợi nhuận tốt. Dù vậy, nợ xấu vẫn là "điểm nóng" tại không ít ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý I/2024 thể hiện tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%. Điển hình, VIB là 3,6%; BVBank ở mức 3,1%; SHB là 3%; Vietbank là 3,1%… Đáng chú ý, có ngân hàng đã tiệm cận mức 4% như PVCombank, ABBank.
Tại PVcomBank, tỷ lệ nợ xấu suýt soát 4%, trong đó nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nghi ngờ (+15,8%) và có khả năng mất vốn (+17,4%).
Tiếp sau là ABBank, với tỷ lệ nợ xấu lên tới 3,92%, trong khi tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34%.
Tuy nhiên, xét về con số, MB là nhà băng tăng nợ xấu nhiều nhất, tăng thêm 5.500 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng, tương đương tăng thêm 0,94 điểm phần trăm. Nợ xấu của MB tính đến ngày 31/3/2024 là 13.621 tỷ đồng, chiếm 2,34% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 110%, từ 2.851 tỷ đồng hồi cuối năm 2023 lên 5.996 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024.
Báo cáo tài chính cho thấy 3 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm. Cụ thể, NCB giảm 0,8 điểm phần trăm, VPBank giảm 0,11 điểm phần trăm, SHB giảm 0,02 điểm phần trăm. Tuy nhiên, những nhà băng này lại thuộc top đầu về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống, lần lượt là 29%, 3,31% và 3%.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Công ty chứng khoán ACBS cho biết, nợ xấu đang gia tăng và áp lực dự phòng lớn với các ngân hàng. Nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng lên trong quý I/2024. Xét về tổng thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II-III/2020 là giai đoạn dịch Covid-19. Nhưng xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ nhóm 2 lại đang tăng lên đáng kể, cho thấy là một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn quý II/2020, quý II/2021 và quý III/2021, quý I/2023, nợ tái cơ cấu giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên từ quý II/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ LLR – dự phòng bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dự phòng không đuổi kịp mức tăng của nợ xấu.
Tổng hợp từ 28 ngân hàng, số dư dự phòng rủi ro đạt 194.939 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh ghi nhận vào cuối quý III/2023 (gần 196.000 tỷ đồng).
Sau khi hồi phục nhẹ trong quý cuối năm trước, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý đầu năm 2024 đã giảm hơn 7 điểm % xuống còn 87%, mức thấp nhất kể từ cuối quý III/2023. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay như Vietcombank, BIDV, VietinBank hay MB thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất.
Tính đến cuối quý I chỉ còn 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Cuối năm 2023, từng có tới 10 ngân hàng trên mốc này, trong đó 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ vượt 200%.
Đề xuất gia hạn Thông tư 02 để “hãm phanh” nợ xấu
Với tình hình tín dụng tăng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng cao, nhiều ngân hàng thương mại đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Bởi theo quy định, Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024.
Trả lời về vấn đề này tại họp báo quý I, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 02 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang gửi lấy ý kiến lần 2 về việc sửa đổi Thông tư 02, sau đó NHNN sẽ bám sát các chỉ đạo để triển khai.
NHNN cho biết, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.
Lý giải đề xuất chỉ kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng, ông Bắc cho biết định hướng sửa đổi Thông tư 02 của NHNN là kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, chính sách nào cũng có 2 mặt, nên NHNN đã có những đánh giá và trước mắt là đề xuất kéo dài thêm 6 tháng.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cho rằng trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ quý I/2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ đề xuất kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng.
Như vậy, trong năm 2024, các khách hàng vay của ngân hàng đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều kiện sẽ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, đánh giá khó khăn để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.