Nỗi ám ảnh mang tên 'camera quay lén'

Nỗi ám ảnh không chỉ đến từ các camera quay lén, ngay cả camera giám sát từ các gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu người dùng chủ quan.

Nhiều vụ việc được ghi nhận

Mới đây, ngày 26/6, đại diện UBND quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết, một chủ nhà trọ (58 tuổi; trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) bị xử phạt hành chính số tiền 12,5 triệu đồng về hành vi thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Theo đó, chủ nhà trọ này bị phát hiện lắp camera quay lén trong phòng tắm của một nữ sinh thuê phòng tại đây. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được lập hồi tháng 5 vừa qua do Chủ tịch UBND quận này ra quyết định.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước đó, sự việc nghệ sĩ Châu Bùi bị quay lén cũng làm xôn xao dư luận. Theo đó, lúc 14h ngày 23/6 khi Châu Bùi cùng ê-kíp có buổi thử đồ ở một studio tại quận 3 (TP HCM). Sau khoảng 30 phút thử đồ, Châu Bùi phát hiện một chiếc đồng hồ cơ. Cô cầm lên và thấy chiếc đồng hồ rất nóng, liên tục nhấp nháy khi bấm nút. Sau khi tìm hiểu, nữ nghệ sĩ nhận thấy chiếc đồng hồ giống thiết bị quay lén.

Sau đó, ê-kíp của Châu Bùi cùng chủ studio tiến hành kiểm tra camera an ninh. Họ phát hiện một người nam tên N.T.H. ra vào WC nữ nhiều lần. Sau khi trích xuất nội dung từ chiếc đồng hồ, Châu Bùi nhận được rất nhiều hình ảnh, video nhạy cảm về bản thân.

Trên công cụ tìm kiếm Google và nhiều hội nhóm mạng xã hội khác, các thiết bị camera quay lén cũng được rao bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau. Người dùng có thể dễ dàng sở hữu các thiết bị này với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng.

Trên các hội nhóm Telegram, các video nhạy cảm được quay lén từ các nhà nghỉ, thậm chí camera giám sát gia đình cũng thường xuyên được rao bán một cách công khai. Ảnh chụp màn hình.

Trên các hội nhóm Telegram, các video nhạy cảm được quay lén từ các nhà nghỉ, thậm chí camera giám sát gia đình cũng thường xuyên được rao bán một cách công khai. Ảnh chụp màn hình.

Không chỉ vậy, trên nhiều hội nhóm Telegram, các video nhạy cảm được quay lén từ các nhà nghỉ, thậm chí camera giám sát gia đình cũng thường xuyên được rao bán một cách công khai.

Nỗi ám ảnh không chỉ đến từ các camera quay lén, ngay cả camera giám sát từ các gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu người dùng chủ quan.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, camera giám sát từ các gia đình tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an ninh bảo mật và quyền riêng tư cá nhân. Do đó, người dùng nên thường xuyên cập nhật mật khẩu truy cập, chế độ bảo vệ.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cảnh báo người dân nên ngắt các nguồn điện kết nối với camera hoặc dùng vật dụng màu đen che kín mắt thần của camera ở các không gian có tính riêng tư cao như phòng ngủ, khu vực nhà vệ sinh.

Có thể xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi hack camera nhà riêng, thu thập clip nhạy cảm, sau đó rao bán thông tin của người khác trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của họ là trái pháp luật và bị nghiêm cấm.

Đây không chỉ là hành vi xâm phạm đời tư của cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người trong cuộc mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đời sống của họ.

Tuy nhiên, luật sư Trần Xuân Tiền đánh giá, do các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thông qua môi trường mạng nên việc tiếp cận và xác minh thông tin chính xác của đối tượng thực hiện hack và rao bán clip nhạy cảm là vô cùng khó khăn.

Về xử lý hành chính, theo quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP và khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hành vi rao bán dữ liệu camera nêu trên có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục, buộc hủy bỏ các thông tin trái phép.

Ngoài ra, người rao bán dữ liệu camera cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo Điều 289 Bộ Luật hình sự hiện hành, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.

Bên cạnh đó, người có hành vi đăng tải thông tin, hình ảnh công khai về việc rao bán clip nhạy cảm trên mạng còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nội dung dâm ô, đồi trụy trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc với mức phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, căn cứ vào điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Trong trường hợp hành vi có dấu hiệu của tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 236 Bộ luật hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-am-anh-mang-ten-camera-quay-len-10284187.html