Nỗi ân hận ở tuổi 30 của cô gái đang neo sự sống nơi giường bệnh
Ở tuổi 30, chị A. đang điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải lọc máu 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng 4 giờ và chờ đợi hy vọng được ghép thận.
Phát hiện suy thận ngay trước đám cưới
Chị N.N.A (30 tuổi, trú tại Hà Nội) đang là bệnh nhân chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần tại Bệnh viên Thanh Nhàn. Đây là một trong hàng chục người trẻ phải neo mình nơi phòng bệnh, duy trì sự sống với máy lọc máu, không dám ngưng nghỉ, sai lịch một ngày.
Hai năm trước, khi chuẩn bị cho đám cưới và sinh con, chị A. đi tiêm phòng vắc xin. Bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân huyết áp cao bất thường nên đề nghị đi kiểm tra kỹ hơn.
Kết quả xét nghiệm khiến chị không thể tin nổi: Chức năng thận đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ số creatinin máu lúc đó lên tới 6.700 µmol/L, một báo động đỏ.
Bác sĩ nghi ngờ chị A. có thể bị suy thận cấp và tiếp tục theo dõi lượng nước tiểu và chức năng thận trong một tuần nhưng tình trạng không cải thiện. Chị được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, các chỉ số cho thấy nữ bệnh nhân suy thận sang giai đoạn mạn tính và cần chạy thận nhân tạo.
Kể về câu chuyện của mình, chị A. cho biết thỉnh thoảng có dấu hiệu chán ăn, chóng mặt, mệt mỏi kéo dài, tưởng như chuyện bình thường của cơ thể.
Trước đây, người phụ nữ trẻ làm nghề bán quần áo. Chị chủ yếu làm việc chân tay, thức khuya, ăn uống thất thường. Chính những điều ấy đã bào mòn quả thận khi cô từng có tiền sử viêm cầu từ năm lớp 4.
“Ngày nhỏ tôi bị bệnh nhưng đã điều trị ổn và tôi nghĩ mình khỏi nên không đi khám lại, quên hẳn bệnh này. Đến khi cơ thể mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, tôi vẫn chỉ nghĩ là do công việc bận rộn, thức khuya nhiều, bán hàng cả ngày nên kiệt sức”, chị A. nói.
Chẩn đoán bệnh đến quá nhanh khiến chị không thể chấp nhận, mọi dự định cho tương lai dang dở. Chị A. chia tay người chồng sắp cưới đã yêu nhau gần 1 thập kỷ và bước đi con đường riêng của mình đó là “neo sự sống bên chiếc máy lọc thận”.
Cuộc đời của người phụ nữ trước ngưỡng cửa hôn nhân khép lại, sang trang mới khi cô làm quen dần với bông băng, gạc, chuẩn bị mọi dụng cụ cho ca chạy thận 2 ngày/lần.

Để duy trì sự sống, chị A. đang neo mình với chiếc máy chạy thận. Ảnh: P. Anh.
Những ngày đầu, chị suy sụp, ân hận vì chủ quan với sức khỏe. Cuộc sống gần như mất tất cả. Khi vào bệnh viện, những người trẻ như A. vẫn đang duy trì sự sống để hy vọng có ngày được ghép thận. Giờ đây, chị cũng mong đợi cơ hội này đến với mình.
Căn bệnh âm thầm tàn phá
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân trẻ mắc suy thận đang tăng đáng báo động, chiếm 5-10% trong số 380 người chạy thận định kỳ tại khoa. Đáng lo ngại, nhiều người trẻ chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, khi thận đã tổn thương không thể phục hồi.
“Bệnh suy thận mạn diễn tiến âm thầm, triệu chứng ban đầu như mệt mỏi, chán ăn dễ bị nhầm với các vấn đề thông thường. Khi bệnh nặng, cơ hội điều trị gần như không còn”, bác sĩ Quốc cảnh báo.
Nguyên nhân suy thận ở người trẻ thường đến từ lối sống thiếu lành mạnh: dùng nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thực phẩm giàu muối và đường, uống nước ngọt có ga, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động, thức khuya, và căng thẳng kéo dài.
Những thói quen này gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, béo phì, và xơ vữa mạch, âm thầm phá hủy thận. Đặc biệt, tiêu thụ quá nhiều đạm có thể dẫn đến bệnh gout, sỏi thận, cuối cùng là suy thận mạn.
Để bảo vệ sức khỏe thận, bác sĩ Quốc khuyến cáo người dân, đặc biệt các bạn trẻ:
- Kiểm tra chức năng thận ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt nếu bạn trên 40 tuổi hoặc có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch.
- Tránh lạm dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc nam không rõ nguồn gốc.
- Uống đủ nước, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, vận động thường xuyên.
- Chú ý các dấu hiệu bất thường như tiểu ít, phù chân, tiểu đêm nhiều lần, và đi khám ngay khi phát hiện.
- Mang theo sổ khám bệnh để bác sĩ theo dõi diễn tiến sức khỏe lâu dài.
Bác sĩ Thái nhấn mạnh bệnh nhân A. vẫn kiên trì bên chiếc máy lọc thận, mang trong mình hy vọng về một ngày được ghép thận và sống trọn vẹn. Câu chuyện của chị nhắc nhở cộng đồng về sức khỏe và những thay đổi thói quen xấu trong lối sống ngay hôm nay.