Thực dưỡng cho người làm việc trong phòng điều hòa
Mùa hè, làm việc trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ lâu dài dễ gây mất cân bằng âm dương, ảnh hưởng xấu tới các tạng phủ trong cơ thể. Thực dưỡng là một trong những cách giúp cải thiện sức khỏe, cân bằng cơ thể và tinh thần, hạn chế các vấn đề sức khỏe do máy điều hòa gây ra.
Thực dưỡng là phương pháp ăn uống dựa trên triết lý cân bằng âm dương, thuận tự nhiên, theo mùa và hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm từ động vật.
NỘI DUNG::
1. Làm việc trong môi trường điều hòa có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
2. Nguyên tắc thực dưỡng cho người làm việc trong điều hòa
3. Một số món ăn trong thực dưỡng cho người làm việc trong điều hòa
3.1. Cháo ý dĩ hầm hạt sen
3.2. Súp bí đỏ nấu gừng
3.3. Lê hấp gừng, mật ong
3.4. Cơm gạo lứt - đậu đỏ, ý dĩ
3.5. Trứng gà hấp kỷ tử
3.6. Cháo hạt sen - long nhãn
1. Làm việc trong môi trường điều hòa có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Trong cuộc sống hiện đại, điều hòa nhiệt độ là cứu cánh cho người làm việc trong văn phòng, nhất là vào mùa hè oi bức.
Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, việc tiếp xúc với "hàn lạnh" trong thời gian dài có thể gây mất cân bằng âm dương, ảnh hưởng tạng phủ, đặc biệt phế, tỳ, thận.
Không khí lạnh ảnh hưởng chức năng phế, dẫn tới nhiều bệnh lý hô hấp như ho, ngạt mũi, viêm phế quản, viêm xoang, cảm cúm… Hàn lạnh xâm nhập vào trung tiêu, ảnh hưởng chức năng tỳ vị có thể gây ra các biểu hiện đầy bụng, tiêu chảy, ăn uống kém, tay chân nặng nề… lâu ngày làm giảm đề kháng và dễ nhiễm bệnh.
Hàn lạnh kéo dài còn làm hao tổn thận (mệnh môn hỏa), gây đau lưng mỏi gối, lạnh chân tay, tiểu nhiều, tiểu đêm… Không chỉ ảnh hưởng tỳ - phế - thận, những người làm việc trong môi trường điều hòa lâu ngày còn dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ, stress, bực bội, cáu gắt (chức năng tạng tâm - can).
Chính vì vậy, thực dưỡng là một trong những cách để cân bằng âm dương, nuôi dưỡng khí huyết, điều hòa tạng phủ, phòng bệnh từ gốc.
2. Nguyên tắc thực dưỡng cho người làm việc trong điều hòa
- Nên ăn ấm, uống ấm, tránh thực phẩm lạnh để bảo vệ sức khỏe tỳ vị.
- Bổ sung các món ăn, thực phẩm có tác dụng bổ tỳ vị như gạo lứt, ý dĩ, đậu đỏ, hoài sơn, khoai lang, bí đỏ, cháo kê… giúp tăng cường chuyển hóa, phòng tiêu chảy, lạnh bụng.
- Giảm dầu mỡ, tránh đồ ăn sống lạnh để hạn chế thấp trệ, đầy bụng…
- Bổ sung các thực phẩm ấm nóng như gừng tươi, quế, xuyên khung, hành, tía tô (liều lượng nhỏ trong món ăn)… để trừ hàn thấp.
- Dưỡng phế, giảm các vấn đề hô hấp do ngồi điều hòa lâu bằng các thực phẩm như mật ong, lê hấp gừng, củ mài, hạnh nhân, hạt sen… Ngoài ra, tùy vào thể trạng và khí hậu mà ăn uống phù hợp. Người hư hàn nên ăn bổ - ấm, người nhiệt thịnh nên dưỡng âm, thanh nhiệt.
3. Một số món ăn trong thực dưỡng cho người làm việc trong điều hòa

Ý dĩ phối hợp với hoài sơn, hạt sen, gạo tẻ, gừng phù hợp cho người hay bị mệt mỏi khi làm việc điều hòa.
3.1. Cháo ý dĩ hầm hạt sen
Nguyên liệu: Ý dĩ 30g, hoài sơn 20g, hạt sen 20g, gạo tẻ 100g, gừng tươi 2 lát.
Cách làm: Ngâm ý dĩ, hoài sơn và hạt sen trong nước 1 - 2 giờ, vo sạch gạo tẻ, cho tất cả vào nồi, nấu cháo với lửa nhỏ đến khi nhừ; sau đó thêm gừng, nêm chút muối và dùng khi còn ấm.
Công dụng: Kiện tỳ vị, sinh tân, dưỡng âm an thần; phù hợp cho những người hay bị đầy bụng, tiêu chảy, ăn không tiêu, mệt mỏi nhiều khi làm việc điều hòa lâu.

Súp bí đỏ nấu gừng làm ấm tỳ vị tốt cho người làm việc lâu trong điều hòa.
3.2. Súp bí đỏ nấu gừng
Nguyên liệu: Bí đỏ 200g, gừng 3 lát, hành tím 1 củ, dầu mè 1 muỗng.
Cách làm: Gọt vỏ, cắt bí đỏ thành miếng nhỏ, xào hành tím với dầu mè, cho bí đỏ vào đảo sơ, thêm nước và gừng, đun sôi rồi ninh mềm, nhuyễn; dùng khi còn ấm nóng.
Công dụng: Bí đỏ giúp kiện tỳ, bổ khí huyết. Gừng, hành tác dụng ôn trung, tán hàn. Món ăn hỗ trợ tiêu hóa, làm ấm tỳ vị.

Lê hấp gừng, mật ong giúp giảm ho, khô cổ do làm việc trong điều hòa lâu.
3.3. Lê hấp gừng, mật ong
Nguyên liệu: Lê 1 quả, gừng 2 lát, mật ong 1 muỗng.
Cách làm: Lê rửa sạch, khoét lõi, bỏ gừng vào giữa; hấp cách thủy 15 - 20 phút; dùng nóng, thêm mật ong sau khi hấp.
Công dụng: Lê giúp thanh phế, nhuận táo, gừng làm ấm, tán hàn ôn trung, kết hợp với mật ong nhuận phế, bổ trung. Món ăn này làm giảm ho, giảm đau họng, khô cổ họng do làm việc trong môi trường điều hòa lâu; có thể thay thế bằng món lê hấp đường phèn.

Gạo lứt dưỡng khi huyết, nhuận tràng tốt cho người làm việc trong điều hòa lâu.
3.4. Cơm gạo lứt - đậu đỏ, ý dĩ
Nguyên liệu: Gạo lứt 1 chén, đậu đỏ 20g, ý dĩ 20g, muối mè.
Cách làm: Ngâm gạo lứt, đậu đỏ, ý dĩ qua đêm (hoặc ít nhất 6 giờ); nấu bằng nồi áp suất hoặc nồi cơm điện, thêm nước gấp 1,5 - 2 lần bình thường. Ăn cơm cùng muối mè hoặc thức ăn thanh đạm.
Công dụng: Gạo lứt dưỡng khí huyết, nhuận tràng. Đậu đỏ giúp bổ thận, lợi tiểu, tiêu phù. Ý dĩ hỗ trợ kiện tỳ, chống tiêu chảy. Món ăn giúp hỗ trợ tiêu hóa, trừ thấp, đặc biệt tốt cho người hay bị đầy bụng, chậm tiêu, tiêu chảy…

Trứng gà bổ huyết, dưỡng âm tốt cho người ngồi máy tính nhiều.
3.5. Trứng gà hấp kỷ tử
Nguyên liệu: Trứng gà 2 quả, kỷ tử 10g, hành hoa 2 nhánh.
Cách làm: Kỷ tử ngâm nước 5 phút cho mềm; đánh trứng, thêm nước ấm, muối, khuấy đều, lọc qua rây. Cho kỷ tử vào chén trứng, hấp cách thủy 10 phút đến khi chín. Rắc hành hoa cắt nhỏ vào và dùng khi còn ấm nóng.
Công dụng: Kỷ tử là vị thảo dược giúp dưỡng can, sáng mắt. Trứng bổ huyết, dưỡng âm. Món ăn tốt cho người ngồi máy tính nhiều, mắt mỏi, mất ngủ.

Hạt sen phối hợp với gạo nếp, long nhãn, táo đỏ dưỡng tâm an thần.
3.6. Cháo hạt sen - long nhãn
Nguyên liệu: Gạo nếp 100g, long nhãn 10g, hạt sen 10g, táo đỏ 5 quả.
Cách làm: Vo gạo nếp, ninh với hạt sen cho đến khi gần chín, thêm long nhãn và táo đỏ vào, nấu thêm 10 phút; ăn khi còn nóng ấm.
Công dụng: Món ăn có tác dụng dưỡng tâm an thần, bổ khí huyết, kiện tỳ... từ đó giúp ngủ sâu, giảm căng thẳng.
Gợi ý bài thuốc đơn giản từ lá lốt và gừng giúp giảm đau lưng, đau gối | SKĐS #shorts